Cột điện tại kiệt 9 Nam Giao sau khi được sửa chữa lại

 

Cháy, nổ dù đã được dự báo

Theo thống kê, trên địa bàn TP Huế hiện có 519 trạm biến áp với trên 460km đường dây điện hạ thế. Có 17.538 cột điện (cả trung thế và hạ thế). Khách hàng sử dụng điện là 92.292 hộ gia đình.

Ngày 24/10 đã xảy ra vụ cháy, nổ tại cột điện ở kiệt 9, đường Nam Giao, phường Thủy Xuân, TP Huế. Vụ cháy, nổ diễn ra từ 10h15’ đến 10h30’ mới được ngành điện và người dân dập tắt. Vụ cháy, nổ khiến hàng chục hộ dân sống trong đường kiệt này một phen kinh hoàng, hàng trăm hộ dân phải chịu cảnh mất điện cục bộ trong ngày.
Ông Nguyễn Công Hữu, người dân sống cạnh cột điện cho biết, cột điện này đã được ngành điện lắp đặt từ lâu, gồm 2 cột cũ hình chữ nhật. Cột điện gánh đến 18 hộp công tơ điện của 18 hộ dân với hệ thống dây điện chằng chịt từ chân cột lên gần hết cột. Hộp công tơ cũ, có hộp đã sử dụng trên 10 năm nên rất dễ dẫn đến nguy cơ chập, cháy. Người dân ở đây và bản thân ông đã nhiều lần kiến nghị trong các dịp tiếp xúc cử tri và HĐND phường Thủy Xuân yêu cầu ngành điện bắt thêm cột, chia hộp công tơ ra để tránh nguy cơ cháy, nổ. Gần đây nhất, ông đã mời Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân (cũ) và cán bộ ngành điện về tận nơi xem xét để khắc phục, nhưng không được giải quyết. May mà nhà ông lợp mái hiên che bằng tôn và cột sắt nên khi xảy ra cháy, nổ, 4 xe máy để dưới hiên nhà không bị ảnh hưởng. Nếu gia đình ông lợp bằng tre, gỗ thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Nay, ngành điện thay hộp mới nhưng vẫn để 18 công tơ điện “bấu víu” vào cột này thì nguy cơ cháy, nổ sẽ vẫn còn tiếp tục xảy ra…
Ông Đặng Ngọc Tuấn, tổ trưởng tổ 6, khu vực 1, phường Thủy Xuân (nơi xảy ra vụ cháy) cho biết thêm, năm 2013, từ khi xảy ra cháy, nổ tại cột điện kiệt 30 Minh Mạng, với tư cách là tổ trưởng tổ dân phố, ông đã nhiều lần phản ánh lên phường và ngành điện về nguy cơ cháy, nổ ở cột điện tại kiệt 9 này nhưng không được xem xét, giải quyết. Sau sự cố, ngành điện đã khắc phục, sửa chữa nhưng nguy cơ cháy, nổ vẫn còn đó, bởi ngoài hệ thống chằng chịt của dây điện thì còn rất nhiều đường dây của các nhà mạng như VNPT, FPT… cũng “ké” vào cột điện này.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại vị trí này, cột điện sau khi cháy, nổ vẫn được giữ nguyên. Ngành điện cho thay thế các hộp đựng công tơ cũ bằng hộp mới. Trong đó, có 4 hộp to mỗi hộp chứa 4 công tơ điện và 2 hộp công tơ riêng lẻ của 18 hộ dân. Ngoài ra còn có hộp của nhà mạng VNPT và hệ thống đường dây khá chằng chịt của cả ngành điện và các nhà mạng. Chẳng may xảy ra chập, cháy thì rất nguy hiểm, bởi cột điện này ngay sát nhà dân. Nếu không bắc thêm cột điện, nhánh rẽ để giảm tải cho áp lực của cột điện này thì nguy cơ cháy, nổ sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhánh rẽ
Theo thống kê của Điện lực Nam sông Hương, từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra 4 vụ cháy làm hỏng 28 thùng công tơ, 8 hộp chia dây, thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Nguyên nhân đều được xác định là do mô-ve dây dẫn trước và sau công tơ dẫn đến chập, phóng điện, gây ra cháy, nổ. Riêng vụ cháy tại kiệt 9 Nam Giao hư hỏng hoàn toàn 6 hộp công tơ, thiệt hại ước tính gần 2,5 triệu đồng. Thời gian xảy ra cháy, nổ thường vào mùa mưa dông và mùa nắng nóng.
Ông Hồ Đăng Phước, Giám đốc Điện lực Nam sông Hương cho biết, từ khi các xã thuộc TP Huế chuyển đổi lên phường như: Thủy Xuân, Thủy Biều, An Đông, An Tây thì nhu cầu vô điện của người dân tăng cao. Hàng năm, Điện lực Nam sông Hương đều dành một nguồn kinh phí từ 3 đến 4 tỷ đồng để phát triển nhánh rẽ, xây dựng thêm nhiều cột điện nhằm giảm tải áp lực sử dụng điện cho những vùng này, song do nhu cầu của các hộ dân quá cao nên chưa thể đáp ứng được hết. Riêng năm 2015, đơn vị đã đầu tư 6,5 tỷ đồng để xây dựng 80 nhánh rẽ hạ thế 0,4kv, di dời 969 công tơ. Đặc biệt, Điện lực đang thực hiện Dự án nâng cao Độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng tại Điện lực Nam sông Hương với nguồn vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng; trong đó phần kết gọn thùng công tơ và thay hộp chia dây gần 1,7 tỷ đồng. Tất cả kế hoạch xây dựng nhánh rẽ, thay thế hộp chia dây và hộp công tơ đều tham khảo ý kiến của các phường, phản ánh từ người dân để lên kế hoạch hàng năm phát triển dần dần. Vậy nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của người dân, do đó vẫn xảy ra cháy, nổ ở trên một số cột điện.
Ông Trần Thanh Toán, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Điện lực Bắc sông Hương cũng cho biết, đầu năm 2015, đơn vị đã lên kế hoạch phát triển nhánh rẽ. Từ nguồn vốn ADB, đơn vị đã đầu tư 2,8 tỷ đồng xây dựng 1 trạm biến áp 250 KVA và 9 km đường dây vào các kiệt. Từ nguồn kinh phí do Tổng Công ty Điện lực miền Trung cấp, đơn vị cũng phát triển thêm 7,5 km đường rẽ mới, tăng cường thêm xuất tuyến 2 km với kinh phí gần 2 tỷ đồng; hoàn thiện lưới điện, lắp mới 1 trạm 400 KVA cho Khu định cư An Hòa... Trong giai đoạn 2012-2015, bình quân mỗi năm đơn vị tăng cường thay thế từ 300 đến 400 hộp điện cũ thành mới theo tiêu chuẩn ngành điện đề ra. Năm 2016, đơn vị tiếp tục duy trì công tác phát triển nhánh rẽ, cột điện… Chính vì lẽ đó, những năm trước đây thỉnh thoảng xảy ra cháy, nổ ở các cột điện, nhưng đến nay không còn xảy ra tình trạng này trên vùng do đơn vị quản lý.
Theo ông Nguyễn Văn Tường (GĐ Điện lực Bắc sông Hương) và ông Hồ Đăng Phước để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ tại các cột điện thì công tác quản lý, chỉ đạo các phòng xuống tổ và nhân viên trực tiếp quản lý vận hành phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, ngoài phát triển nhánh rẽ, xây dựng thêm cột điện để “chia lửa” thì việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những bất thường nhằm duy tu, bảo dưỡng được quán triệt sâu rộng trong toàn thể nhân viên. Ngoài ra, thay thế các hộp công tơ cũ, kết gọn công tơ vào 1 hộp sẽ giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ cũng như đảm bảo về mặt kỹ thuật, mỹ quan cho đô thị Huế.
Ông Lê Hùng Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Điện lực tỉnh:
Phải thực hiện quy định đã ban hành
Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại các cột điện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tính mỹ quan, hạn chế tổn thất do trộm cắp điện tại các cột điện, Công ty Điện lực tỉnh đã ban hành Quyết định số 1639/QĐ-TTHPC ngày 25/4/2015 quy định giải pháp kỹ thuật cơ bản trong công tác lắp đặt công tơ trên lưới điện tỉnh. Theo đó, thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh sử dụng hộp chia dây, hộp bảo vệ công tơ bằng vật liệu composite cho tất cả trường hợp lắp đặt mới hoặc thay thế. Các thanh dẫn trong hộp chia dây dùng thanh đồng, đầu cốt sử dụng nhôm đồng để hạn chế mô ve và cháy nổ. Thời hạn sử dụng hộp chia dây và hộp công tơ không quá 10 năm; trong đó, 3 năm thay công tơ định kỳ… Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra để xử lý, không để xảy ra nguy cơ cháy nổ tại các cột điện.
Thanh Hải (ghi)

Bài, ảnh: Hải Huế