Khói bụi dày đặc bao trùm thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Chất lượng không khí tại New Delhi được đánh giá là ô nhiễm “nghiêm trọng”. Theo đó, mức độ ô nhiễm hiện nay cao hơn gấp 4 lần so với giới hạn an toàn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một quan chức cấp cao của Safar cho hay.

Việc đốt cháy cây trồng ở các tiểu bang là một trong những lý do chính khiến chất lượng không khí suy thoái trầm trọng tại thủ đô New Delhi, quan chức này nói thêm.
Trước đó, kết quả một cuộc khảo sát được WHO công bố đầu năm nay cho thấy, New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, với mức ô nhiễm trung bình là 153 microgram các hạt bụi nhỏ trong mỗi mét khối không khí đo được hằng ngày. Các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi và bệnh tim mạch.
“Mức độ ô nhiễm không khí này có thể khiến con người giảm 2 giờ tuổi thọ/ngày. Ngoài ra, việc hít phải không khí độc hại ở mức độ trên tương đương với việc hút 8 điếu thuốc lá/ngày”, chuyên gia về định lượng rủi ro David Spiegelhalter tại Đại học Cambridge (Anh) cho biết trong một cuộc phỏng vấn do tờ báo Bloomberg thực hiện.
Được biết, Ấn Độ cũng là quốc gia có 11 thành phố nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. 
LÊ THẢO (Lược dịch từ Asiaone & Bloomberg)