Hoa Kỳ và Israel bỏ phiếu chống lại nghị quyết không ràng buộc nói trên, nhưng 191 trên tổng số 193 quốc gia của tổ chức này đã bỏ phiếu ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Cuba. Kết quả này được coi là một chiến thắng ngoại giao cho Cuba - đất nước luôn cho rằng lệnh cấm vận là trở ngại chính cho sự phát triển kinh tế của mình và nhiều lần kêu gọi có biện pháp chấm dứt lệnh trừng phạt.


Ngoại trưởng Bruno Rodriguez Cuba (áo trắng) nhận lời chúc mừng của các đại biểu trong Đại hội đồng LHQ sau một cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết hàng năm kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Ảnh: AP

Năm ngoái, Hoa Kỳ và Israel đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này và 3 quốc gia: Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau bỏ phiếu trắng. Nghị quyết năm nay hoan nghênh sự tái lập quan hệ ngoại giao của Mỹ-Cuba và công nhận thiện chí của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong những nỗ lực đã và đang thực hiện để dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng phụ thuộc vào Quốc hội Mỹ, nơi đa số thành viên đảng Cộng hòa kiên quyết phản đối mọi biện pháp nhằm nới lỏng các hạn chế được áp đặt từ năm 1960 trong giai đoạn đỉnh cao của Chiến tranh lạnh.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez lên tiếng hy vọng rằng, Quốc hội Mỹ sẽ "có động thái để thay đổi chính sách không hiệu quả và bất công này", nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh, Tổng thống Obama có "đặc quyền để thay đổi đáng kể "lệnh cấm vận đã áp đặt suốt 55 năm qua.

Cuba ước tính những thiệt hại mà đất nước phải gánh chịu từ lệnh phong tỏa lên đến hơn 830 tỉ USD và từ lâu đã cho rằng, biện pháp này mang lại rất nhiều khó khăn cho quốc đảo này.

"Việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa là yếu tố cần thiết mang nhiều ý nghĩa đối với những tiến bộ đạt được trong vài tháng qua trong quan hệ giữa hai nước và thiết lập chế độ bình thường hoá", Ngoại trưởng Rodriguez nói.

Quá trình bình thường hoá quan hệ sẽ mất nhiều năm

Trong bài phát biểu của mình, nhà ngoại giao Hoa Kỳ Ron Godard nói rằng, Hoa Kỳ không ủng hộ văn bản nghị quyết này bởi vì nó không phản ánh "những bước đi quan trọng được thực hiện và tinh thần hàn gắn mà Tổng thống Obama đấu tranh trong suốt thời gian qua". Ông Godard cũng cảnh báo, Cuba sẽ "sai lầm" nếu tin rằng nghị quyết trên của LHQ có thể gây áp lực đối với Hoa Kỳ.

Nhà ngoại giao Godard nhấn mạnh, chính quyền Mỹ muốn chấm dứt lệnh cấm vận để tạo cơ hội cho Nhân dân Cuba, nhưng cảnh báo quá trình bình thường hoá quan hệ "sẽ đòi hỏi nhiều năm kiên trì và sự cống hiến của cả hai bên".

Tại diễn đàn LHQ, các phái viên đại diện cho tất cả các nhóm khu vực chính hoan nghênh sự thay đổi của Mỹ đối với Cuba, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh việc dỡ bỏ lệnh cấm vận chính là chìa khóa để sửa chữa những gì mà theo nhiều người là một sai lầm lịch sử.

 

Tố Quyên (lược dịch từ AFP & PressTV)