Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tham dự một cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels, Bỉ ngày 29/11. Ảnh: Reuters

Theo những điều khoản trong thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ giúp ngăn chặn dòng người di cư đến Châu Âu để đổi lấy nguồn viện trợ bằng tiền mặt, chế độ miễn thị thực và các cuộc đàm phán mới về việc gia nhập EU.

Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã có cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ở Brussels (Bỉ) để hoàn thành một thỏa thuận được các nhà ngoại giao châu Âu soạn thảo trong tháng qua, trong bối cảnh 28 quốc gia EU phải đấu tranh để hạn chế sự căng thẳng của cuộc khủng hoảng với hàng trăm ngàn người di cư Syria.

Một chi tiết quan trọng của thỏa thuận nói trên là 3 tỷ euro (tương đương 3,2 tỷ USD) viện trợ của EU. Số tiền mặt này sẽ được cung cấp cho 2,2 triệu người Syria đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, khoản viện trợ sẽ được dùng để nâng cao mức sống của họ và thuyết phục những người này ở lại Ankara, thay vì nỗ lực sang EU qua các chuyến hành trình đầy mạo hiểm.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để tiếp nhận người di cư, những người sẽ không đến châu Âu. Chính vì vậy, việc Ankara nhận được sự hỗ trợ từ Châu Âu là hoàn toàn hợp lý”, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói với các phóng viên. Ngoài ra, ông Hollande nói thêm rằng, thỏa thuận này tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc kiểm tra người di cư và loại bỏ những mối đe dọa từ các phần tử cực đoan, giống như các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tấn công khủng bố Paris cách đây 2 tuần.

Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận trên, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia luôn nỗ lực “hâm nóng” mối quan hệ với các nước láng giềng châu Âu sẽ được tạo điều kiện cho một quá trình đàm phán “tái nạp năng lượng” với các thành viên EU.

Thêm vào đó, công dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể hưởng lợi từ chế độ miễn thị thực được áp dụng tại vùng Schengen của châu Âu trong vòng 1 năm, nếu Ankara đáp ứng các điều kiện thắt chặt biên giới ở phía đông để kiểm soát người di cư châu Á, cũng như thực hiện những nỗ lực khác nhằm giảm số lượng người di cư sang châu Âu.

“Hôm nay là một ngày lịch sử trong tiến trình gia nhập EU của chúng tôi. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu về sự khởi đầu mới này”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người di cư.

 

Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & Dailystar)