Như Báo Thừa Thiên Huế thông tin, vụ án: “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa ông nguyên đơn là ông Lê Thái với bị đơn là ông Hoàng Mão và Hoàng Trọng Hạnh được TAND huyện Phú Lộc và TAND tỉnh đưa ra xét xử vào năm 2008. Tóm tắt như sau: Vào năm 1935, bố mẹ ông Lê Thái là ông Lê Thành và bà Trương Thị Mĩu có tạo lập một thửa đất 2 sào, 8 thước, 9 tấc hình thể một cái hồ. Thửa đất này có trích lục địa bộ do chế độ cũ cấp vào năm 1935 đứng tên ông Lê Thành, toạ lạc tại thôn Xuân Lai, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Sau khi bà Mĩu và ông Thành mất, ông Lê Thái tiếp tục sử dụng, kê khai đăng ký và làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước toàn bộ thửa đất trên từ năm 1976 đến nay. Phía gia đình ông Thái cho rằng, vào năm 1989, ông Mão xin ông Thái (bằng miệng) cho con là Hoàng Trọng Hạnh làm quán tạm may áo quần với diện tích là 16m2. Đến năm 1991, ông Mão tự ý tháo dỡ quán tạm làm nhà kiên cố và lấn chiếm thêm 44m2. Phía gia đình ông Mão cho rằng, năm 1989, ông có đơn xin làm quán may mặc cho con với diện tích 50m2, toạ lạc tại thôn Xuân Lai, xã Lộc An và đã được HTX Tiến Lực, UBND xã Lộc An ký xác nhận đồng ý cho ông làm quán may mặc. Đến năm 1991, do quán xuống cấp, nên ông đã tháo dỡ quán làm nhà kiên cố để ở và buôn bán vật liệu xây dựng…

 

Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm do TAND huyện Phú Lộc, TAND tỉnh thụ lý, giải quyết, Hội đồng xét xử đều cho rằng, diện tích đất ông Mão làm quán tạm cho con sử dụng may mặc vào năm 1989, nhưng đến năm 1991 lại dỡ quán làm nhà kiên cố cho gia đình con trai là Hoàng Trọng Hạnh ăn ở và buôn bán là nằm trong thửa đất của ông Thái đã đăng ký kê khai sử dụng tại sổ địa chính của UBND xã Lộc An với diện tích là 1.300m2 (theo xác minh của UBND xã Lộc An). Giấy xin đất làm quán của ông Mão vào năm 1989 do Uỷ viên thường trực UBND xã Lộc An ký xác nhận là không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Diện tích đất này không phải là đất công, không phải đất 5% do UBND xã Lộc An quản lý mà đất này là đất ông Thái đã kê khai đăng ký sử dụng. Ông Mão và con là ông Hạnh không kê khai đăng ký sử dụng phần diện tích đất 58,39m2 này nên việc sử dụng đất của các ông là không có căn cứ pháp luật. Cả 2 phiên tòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thái, xử buộc ông Mão và ông Hạnh phải tháo dỡ nhà ở, nhà kho và vật liệu kiến trúc đi chỗ khác, trả lại diện tích đất là 58,39m2 cho ông Thái. Không đồng ý với 2 bản án trên, gia đình ông Mão tiếp tục kháng cáo lên TAND tối cao để được xem xét, giải quyết. Ngày 6/4/2011, Chánh án TAND tối cao đã ra Quyết định kháng nghị số 225/2011/KN-DS ngày 6-4-2011 đề nghị Tòa Dân sự TAND tối cao đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Phú Lộc và TAND tỉnh.

 

Ngày 28/6/2011, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa Dân sự TAND tối cao do ông Trần Văn Tuân, chủ tọa phiên tòa họp để xét xử giám đốc thẩm vụ án này có sự tham gia của VKSND tối cao. Theo đó, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và thảo luận, Hội đồng giám đốc thẩm tòa dân sự TAND tối cao cho rằng, tại bản trích lục địa bộ thể hiện cụ Lê Thành đứng tên 1 thửa đất diện tích 2 sào 8 thước 9 tấc tại thôn Xuân Mai, tổng An Nông, huyện Phú Lộc mang hình thể miếng đất ghi là hồ. Khi xảy ra tranh chấp đất giữa ông Thái và ông Mão, lẽ ra tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm cần làm rõ phần đất tranh chấp có nằm trong diện tích đất mà cụ Lê Thành đứng tên trong trích lục địa bộ hay không? Nếu đất tranh chấp nằm trong đất của cụ Lê Thành để lại thì có đúng trước đây thửa đất trên là hồ không? Ai là người san lấp hồ thành đất ở? Nếu là đất của cụ Lê Thành, tại sao UBND xã Lộc An lại phê duyệt cho ông Mão 50m2 đất để làm quán may mặc? Khi đó ông Thái có ý kiến gì không? Vì vậy, cần xác minh đất của cụ Lê Thành có đưa vào HTX quản lý không? Nhất là cần xác minh sổ địa chính của địa phương có tên ông Thái đứng tên kê khai quyền sử dụng thửa đất nào? Có đúng là thửa đất mà cụ Lê Thành đứng tên không? Vì UBND xã Lộc An xác nhận: “Diện tích chia theo NĐ64/CP của ông Lê Thái là 1.300m2, trong đó 200m2 đất thổ cư có đăng ký trong sổ địa chính xã”. Vì vậy cần phải đo đạc toàn bộ diện tích đất của ông Thái đang sử dụng để xác định đất tranh chấp có nằm trong diện tích đất của cha ông Thái và ông Thái đã đăng ký đứng tên trong sổ địa chính hay không. Từ đó, mới có cơ sở xác định đất tranh chấp có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 hay không để xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án hay UBND các cấp. Mặt khác, đất tranh chấp nằm sát Quốc lộ 1A nên cần phải xác minh đất này có nằm trong đất bảo vệ hành lang đường bộ hay không? Trên cơ sở đó mới có đủ căn cứ giải quyết chính xác vụ án. Trong khi chưa xác minh thu thập đầy đủ chứng cứ làm rõ các vấn đề nêu trên, nhưng tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đều buộc ông Mão trả toàn bộ đất cho ông Thái là chưa đủ cơ sở vững chắc.

 

Quyết định giám đốc thẩm cũng nêu rõ: Tại công văn số 35/CV-THA ngày 5/5/2011 của Chi cục Thi hành án huyện Phú Lộc thông báo bản án dân sự phúc thẩm số 18/2008/DS-ST ngày 28/4/2008 của TAND tỉnh đã bị cưỡng chế thi hành xong từ năm 2009, nhưng do tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều có sai lầm nghiêm trọng trong việc xác minh, thu thập chứng cứ. Qua đó, TAND tối cao đã ra quyết định hủy bỏ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Phú Lộc và TAND tỉnh; đồng thời, giao vụ án cho TAND huyện Phú Lộc xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những tình tiết mới nhất của vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” này.

 

Ban Chính trị - Bạn đọc