Đại diện các nước hoan nghênh thoả thuận lịch sử ở COP21. Ảnh: NDTV
Trong tiếng reo hò vang dội của các đại biểu từ gần 200 quốc gia, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về khí hậu, ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, mang lại niềm hy vọng rằng nhân loại có thể ngăn chặn thảm hoạ biến đổi khí hậu và mở ra một cuộc cách mạng mới về năng lượng, chấm dứt 4 năm thương thảo đầy cam go với sự dẫn đầu của Liên Hiệp Quốc.
Khi năm 2015 được dự báo là năm nóng kỷ lục, các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà khoa học cho biết, hiệp định này sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế nhiệt độ tăng cao và ngăn ngừa các tác động tai hại nhất từ biến đổi khí hậu; đồng thời cũng cảnh báo rằng, nếu không hành động khẩn cấp, nhân loại sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng, lũ lụt, mưa bão và nước biển dâng sẽ nhấn chìm các đảo và các vùng ven biển đông dân cư của hàng trăm triệu người.
Điểm mấu chốt của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đòi hỏi các nước phải cắt giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng than đá, dầu và khí đốt, khi việc đốt các nhiên liệu hóa thạch sẽ phát ra các loại khí nhà kính vô hình, khiến trái đất nóng lên và phá vỡ hệ thống khí hậu toàn cầu.
Chính vì vậy, thỏa thuận vừa đạt được được coi là hiệp ước lịch sử đầu tiên về khí hậu toàn cầu, ràng buộc tất cả các quốc gia giàu nghèo đều phải cam kết khống chế khí thải cũng như đặt ra một mục tiêu dài hạn về việc phải xóa bỏ khí nhà kính do con người gây ra trong thế kỷ này.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng khuyến khích các nước tăng cường các nỗ lực tự nguyện trong nước nhằm ngăn chặn khí thải cũng như cung cấp thêm hàng tỷ USD để giúp các nước nghèo tiến tới một nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường hơn.
Trong lúc ca ngợi thoả thuận là “một bước ngoặt lịch sử”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết kế hoạch này sẽ hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới mức 2 độ C và có thể là 1,5 độ C. Ông cũng cho biết văn kiện này sẽ có tính chất ràng buộc pháp lý và qui định các cuộc kiểm tra 5 năm/lần đối với các kế hoạch quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Cũng theo lời ông Fabius, kế hoạch này bao gồm ít nhất 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các nước đang phát triển.
Nicholas Stern, một cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới lên tiếng ca ngợi thỏa thuận này khi cho rằng, đây là một thời khắc lịch sử, không chỉ cho chúng ta và thế giới ngày nay mà còn cho chính con, cháu của chúng ta và các thế hệ tương lai. "Hiệp định Paris là một bước ngoặt trong cuộc chiến của thế giới chống lại biến đổi khí hậu, vấn đề đang đe dọa sự thịnh vượng và hạnh phúc cho các quốc gia giàu có và cả những nước nghèo", ông Stern nói.
Trong khi đó, giữa những tiếng vỗ tay như sấm khi thoả thuận được thông qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố, "lịch sử sẽ ghi nhớ ngày này", "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại cho cả hành tinh và con người".
Bảo Nghi