Tàu chiến USS Lassen của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Đầu tuần này, Nhà Trắng phê duyệt kế hoạch triển khai một tàu chiến của Hải quân Mỹ tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông trong vòng 24 giờ, hoạt động khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.

Trước đó, một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ cho biết, việc tuần tra là một hoạt động nhằm “bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp lãnh hải và không phận, nhằm đảm bảo tất cả các quốc gia phải tuân theo luật pháp quốc tế”.
Cùng quan điểm với Mỹ, EU lên tiếng quan ngại về kế hoạch xây dựng các hòn đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp, “EU cam kết một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS)”, một phát ngôn viên ngoại giao EU khẳng định trong một tuyên bố.
Bên cạnh đó, tại một cuộc họp hôm 30/10, các quan chức cấp cao của EU khẳng định, “Mỹ đang thực hiện quyền tự do hàng hải”.
Được biết, EU đang tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, với hy vọng thu hút nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc để tái khởi động nền kinh tế đang trì trệ của khối và đã thực hiện các cuộc đàm phán về những thỏa thuận đầu tư và thương mại song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 28 quốc gia thành viên EU và 21 nước châu Á sẽ tập trung ở Luxembourg vào tuần tới để tham gia vào ASEM, bao gồm cả Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Thanh Ngân (lược dịch từ Reuters & Dailystar)