Ai cũng làm được tranh đồ hoạ

Cách đây 3 năm, hai hoạ sĩ - giảng viên trẻ Phan Hải Bằng (Đại học Nghệ thuật Huế) và Nguyễn Nghĩa Phương (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) gặp nhau trong một lần tham dự trại sáng tác (workshop) đồ hoạ ở Thái Lan. Chung niềm đam mê với đồ hoạ, cả hai nảy ra ý tưởng tổ chức workshop đồ hoạ như thế này ở Việt Nam.
 
Ấp ủ suốt 3 năm, giấc mơ ấy mới thành hiện thực khi trại sáng tác đồ hoạ Huế lần thứ 1 được tổ chức từ 29/8 đến 17/9 với sự hỗ trợ kinh phí của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và cà phê Window. Trại sáng tác quy tụ sự tham gia của 24 nghệ sĩ đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và 2 nghệ sĩ của Đại học Mahasarakham (Thái Lan). Họa sĩ Phan Hải Bằng, người đã nỗ lực “kéo” dự án này về Huế cho biết: “Với mong muốn thay đổi những quan niệm về đồ họa cũ và đưa ngành đồ họa thoát ra khỏi không gian 2 chiều, workshop đã có những tìm tòi mới thể hiện qua tác phẩm của các họa sĩ tham gia”.
 
Sau hơn 4 tháng chuẩn bị, workshop đã diễn ra thành công với chương trình thú vị: Tham quan nghệ thuật làm tranh làng Sình, trình diễn kỹ thuật đồ hoạ, triển lãm tranh và tổ chức hội thảo. Thú vị nhất là các kỹ thuật làm tranh đồ hoạ từ những vật liệu đơn giản. Chỉ với sáp ong, thuốc nhuộm, kỹ thuật Batik, hoạ sĩ Nguyễn Hữu Trâm Kha có thể tạo ra các hoạ tiết trang trí đẹp mắt trên vải. Hay với giấy - chất liệu dễ mua, dễ tìm kiếm, họa sĩ Adisak Phupha (Đại học Mahasarakham) đã làm ra những tác phẩm ngộ nghĩnh, đầy màu sắc với kỹ thuật in Paper Block. Các hoạ sĩ cũng tỏ ra thích thú với kỹ thuật làm giấy và khắc gỗ hiện đại do 2 hoạ sĩ Phan Hải Bằng và Nguyễn Nghĩa Phương giới thiệu.
 
Nằm trong chuỗi hoạt động của workshop, triển lãm “Dấu ấn cuộc sống” quy tụ 51 tác phẩm mới sáng tác của các hoạ sĩ được thể hiện bằng mọi kỹ thuật và hình thức: Khắc gỗ hiện đại, tranh in đa kỹ thuật, tranh đồ họa đa chất liệu, đồ họa sắp đặt... thu hút sự quan tâm của những người yêu nghệ thuật. Ngoài việc kết nối các hoạ sĩ đồ họa của 3 miền và Thái Lan, triển lãm còn nhằm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm hội họa có ứng dụng của công nghệ đồ họa.
 
Hội thảo về nghệ thuật đồ họa được tổ chức trong workshop lần này cũng mang lại cho nghệ sĩ, sinh viên và những người yêu thích mỹ thuật cái nhìn mới về đồ họa – bộ môn mới trong mỹ thuật hiện đại. Tại hội thảo, các hoạ sĩ đã trình bày những ứng dụng mới của nghệ thuật khắc gỗ, sắp đặt in ấn, giấy... Đây cũng là dịp để các hoạ sĩ và sinh viên nghệ thuật cùng trao đổi quan niệm về đồ họa hiện đại, đồ họa trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, các phương thức thể hiện đồ họa mới...
 
Mong có workshop định kỳ
 
Workshop lần này cho thấy, thực hành nghệ thuật đồ họa không chỉ dành cho họa sĩ được đào tạo bài bản mà còn dành cho tất cả những ai yêu thích, do sự đa dạng, dễ kiếm, dễ thích nghi của các kỹ thuật, chất liệu mới được mở rộng. Đó cũng là nỗ lực của các hoạ sĩ tham gia workshop trong việc nới rộng biên độ hiểu biết về đồ hoạ, đưa đồ hoạ đến gần mọi người qua những vật liệu đơn giản, thân thiện. “Ngoài tính chất tinh xảo, tỉ mỉ trong ngôn ngữ biểu hiện, nghệ thuật đồ họa còn mang hơi thở của cuộc sống với những hình thức thể hiện nhanh chóng, mạnh mẽ và kỹ thuật đơn giản, nhanh gọn hay với kỹ thuật thuộc nền công nghệ cao. Vì thế, đồ hoạ hoàn toàn có thể tham gia vào nghệ thuật đương đại một cách sòng phẳng chứ không bị lép vế so với các hình thức khác”, hoạ sĩ Phan Hải Bằng khẳng định.

Các họa sĩ trình diễn kỹ thuật đồ họa. Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển
 
Ngoài chuyên môn, workshop tạo nên sự gắn kết khi huy động được nhiều hoạ sĩ và tình nguyện viên tham gia. Không có nhiều kinh phí, để tổ chức được workshop như thế này, hoạ sĩ và tình nguyện viên đều phải “thắt lưng buộc bụng”. Hoạ sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ: “Các thành viên tham gia đều phải tự làm mọi thứ, từ xin phép, vận động tài trợ, chuẩn bị xưởng làm việc đến làm lô gô, in áo, may túi lưu niệm… Đến nỗi, giấy chứng nhận cấp cho những người tham gia cũng không sắm nổi khung nhưng mọi người vẫn vui và đầy nhiệt tình khi tham gia”.
 
Bên cạnh đó, workshop cũng tạo ra hiệu ứng về giáo dục khi huy động được nhiều tình nguyện viên là sinh viên mỹ thuật. Ngoài việc tạo niềm yêu thích đối với đồ hoạ cho sinh viên, workshop còn là cơ hội để các em được trải nghiệm, phát huy sở trường và học được cách tổ chức một dự án. Chính các em sẽ là hạt nhân của những workshop sau này và là những “tuyên truyền viên” phổ biến đồ hoạ đến gần với công chúng.
 
Theo TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, workshop lần này rất gần, và tính thực hành bám sát chương trình đào tạo hàn lâm của trường. Những kỹ thuật in ấn và kỹ xảo tạo hình, tư duy đồ họa được công bố và hình thành ở mỗi tác phẩm sẽ là hình ảnh trực quan cho giảng viên và sinh viên. Với Huế, thành phố của Festival, workshop này như một thử nghiệm cho những đột phá nghệ thuật trong các kỳ Festival tiếp theo, có thể là một Festival đồ họa quốc tế lớn trong tương lai.
 

Trang Hiền