Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện, chiều ngày 9/9/2011, ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã mời ông Mai Gia Kim Tri, thân nhân gia đình cùng 2 nhà báo là Phạm Hữu Thu và Lê Văn Lân (Hải Lê) - tác giả của những bài báo liên quan đến trường hợp của ông Thiên Tường chưa được công nhận liệt sĩ (đã đăng tải trên Báo Thừa Thiên Huế) đến trụ sở để cùng trao đổi tìm hướng giải quyết. Cùng làm việc có ông Hồ Dần, phó giám đốc Sở và bà Phạm Minh Nguyệt, Trưởng phòng chính sách người có công của Sở LĐ-TB&XH.
Sau khi viện dẫn những quy định hiện hành liên quan đến việc xét công nhận liệt sĩ, Sở LĐ-TB&XH gợi ý hướng giải quyết: nếu lịch sử đảng bộ phường Phú Nhuận-Huế có ghi nhận về trường hợp này (nơi ông Thiên Tường cư trú và hoạt động cách mạng) thì Sở sẽ hướng dẫn thủ tục để gia đình xúc tiến lập hồ sơ, trong trường hợp ngược lại, Sở sẽ thu thập tài liệu và làm công văn xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Bộ LĐ-TB&XH về trường hợp cụ thể này.
Nhằm cung cấp các chứng cứ liên quan đến hoạt động của cha con ông Thiên Tường cũng như trường hợp họ bị địch sát hại dã man, các nhà báo đã sao chuyển tài liệu của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Huế trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968 tại Huế, trong đó có tài liệu của ông Lê Minh, nguyên phó bí thư khu ủy Trị Thiên, Tư lệnh mặt trận Huế Xuân 68. Theo đó, tại trang 70-71 của cuốn sách “Huế Xuân 68” do Thành ủy Huế tái bản lần thứ I, ông Tư Minh kể:
“Lúc này, địch càng tập trung phản kích dữ dội… chúng tôi quyết định rút. Trong Thành ủy, chúng tôi sắp đặt lại công việc, tìm hướng rút khỏi thành phố: Anh Trần Anh Liên đưa thương binh ra. Anh Tống Hoàng Nguyên thì di chuyển tù binh. Anh Liên và tôi thông báo cho các nơi: cơ sở bí mật còn gài lại thì tản cư theo vào dân hết. Còn số anh em đã lộ rồi thì phải đưa ra hết, nhất là những người đã tham gia chính quyền (ông Văn Thiên Tường ở An Cựu làm chủ tịch phường, vì ra không kịp đã bị chúng giết cả hai cha con). Anh Lương (tức Phan Nam, hiện còn sống ở Huế - ghi chú của tác giả) và anh Loan (Hoàng Kim Loan) bố trí một bộ phận cơ sở khác ở lại trong thành phố”.
Ngoài tài liệu trên, chúng tôi còn cung cấp bản tài liệu viết tay (chưa xuất bản) của ông Hoàng Lanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế. Trong chiến dịch Xuân 1968 ông Hoàng Lanh, tức Nguyễn Mậu Huyên là Phó Chính ủy cánh Nam của Mặt trận Huế, ở trang 20-21 ông Hoàng Lanh viết:
“Chúng tôi hội ý các Thành ủy viên, sắp xếp cán bộ, cơ sở… lựa một số cơ sở nội thành có khả năng vào lại nội thành để tiếp tục công tác cả 3 khu phố 5-6-7 trên 10 đồng chí, trong đó có ông Phan Tích tức Thiên Tường… và Phan Lộc (con ông Thiên Tường), do bọn có nợ máu biết ông Tích chỉ điểm bắn một số ác ôn và con ông Tích cơ sở nội tuyến nên đưa bắn tại khu phố 6”. Ngoài ra, việc nhà tư sản Thiên Tường bị địch bắn bêu xác ở An Cựu còn được ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, trong chiến dịch Xuân 1968 ở Huế là Chính ủy cánh Nam nhắc lại trong cuốn hồi ký: “Đời người cách mạng” của mình.
Cũng liên quan đến cái chết của cha con ông Thiên Tường, theo yêu cầu của tác giả, ngày 13-9-2011, ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, huyện Phú Vang đã văn bản xác nhận:
“Ông Phan Thiên Tường tên thật là Phan Tích, thuộc làng Lại Ân - Phú Mậu - Phú Vang - Thừa Thiên Huế, song ông không sinh sống tại địa phương, chỉ trong thời gian ông còn sống thỉnh thoảng về quê kỵ, chạp tại thôn. Năm 1968 cùng với 2 người con bị kẻ địch giết, thủ tiêu. Sau khi được biết tin 3 cha con ông bị giết hại, một số người trong dòng tộc lên Huế đưa xác về quê an táng thì thấy được 2 cha con, còn một người con mất tích không tìm thấy xác”.
Những người ở làng Lại Ân lên Huế thuê đò bí mật đưa xác cha con ông Thiên Tường về chôn gồm các ông: Phan Bản Đốc và anh của ông là Phan Đại, khi chôn có sự chứng kiến của các ông: Nguyễn Thụy, Kỳ Hữu Bậc, Phan Trạch Bảo, bởi theo lời các nhân chứng: “cả nhà ông Thiên Tường khi đó phải chạy trốn nên không có ai cùng chúng tôi mai táng cả và khi chôn chúng tôi cũng bị bọn địch ở địa phương đàn áp”.
Khi biết ông Thiên Tường, cựu Chủ tịch khu phố 6 chưa được công nhận liệt sĩ, ông Phan Nam, nguyên Thành ủy viên Huế hoạt động trong nội thành Huế trước năm 1970, nguyên Chủ tịch UBNDCM TP Huế bức xúc:“Tôi cứ tưởng Nhà nước đã công nhận rồi, ai dè… nên cơ sự này?”.
Ông khẳng định: “Với tư cách là cán bộ hoạt động nội thành Huế trước năm 1970, tôi sẵn sàng xác nhận và đề nghị Nhà nước xem đây là trường hợp đặc biệt nhằm sớm vinh danh cho gia đình, nếu không thì chúng tôi và chúng ta có tội với người có công với nước!”
Thông tin liên quan: >>Chuyện ông Thiên Tường ở Huế chưa được công nhận liệt sĩ |
Với sự chỉ đạo kịp thời của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và sự hướng dẫn tận tình của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế hy vọng trường hợp của cha con ông Thiên Tường sẽ sớm được các cơ quan xúc tiến lập hồ sơ trình Nhà nước công nhận là liệt sĩ, trả lại sự công bằng cho những người thật sự có công với nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Minh Khuê