Các tàu nhập nước đá trước khi ra khơi |
Với ưu thế có nhiều bãi tắm, cảnh quan sinh thái biển - đầm phá tươi đẹp; và các di tích lịch sử văn hóa có giá trị nên dịch vụ du lịch Phú Vang phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia. Nhiều khu du lịch ở Thuận An tạo được cảm giác tốt đối với du khách, tiêu biểu có thể kể đến Ana Mandara, resort Tam Giang; các bãi tắm như: Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh được đầu tư đã giúp cho du lịch biển ở Phú Vang phát triển nhanh. Ngoài ra, việc thực hiện thành công các kỳ “Festival Thuận An biển gọi” còn giúp nâng cao vị thế của bãi tắm Thuận An và Phú Thuận trong mắt du khách.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các loại hình dịch vụ ăn uống trên đầm Chuồn (Phú An) phát triển mạnh, thu hút nhiều du khách. Mùa cao điểm số lượng khách đến các quán như Thủy Triều quán, Đầm Chuồn hội quán... lên tới hàng trăm người. Sự phát triển hàng quán ở đầm Chuồn sẽ là động lực giúp các xã vùng đầm phá phát triển loại hình dịch vụ này trong tương lai.
Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Với mục tiêu tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, du lịch góp phần giải quyết việc làm cho lao động và nâng cao đời sống người dân. UBND huyện đã và đang tranh thủ các dự án, các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch”.
Tiểu thương thu mua hải sản ở biển Vinh Thanh |
Cùng với việc phát triển du lịch, dịch vụ, Phú Vang còn tích cực vận động ngư dân đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất 90 CV trở lên, mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ, cải tiến ngành nghề nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng từ biển. Phát triển mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển.
Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy sản được địa phương phát triển theo hướng bền vững, đa dạng các đối tượng nuôi, giảm diện tích nuôi chuyên canh, tăng diện tích nuôi xen ghép thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển sản xuất giống thương phẩm, thức ăn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, ngành thủy sản của Phú Vang cũng phát triển theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng đáp ứng được nhu cầu thị trường
Năm 2015, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ở Phú Vang đạt 27.600 tấn, trong đó sản lượng đánh bắt đạt 24.350 tấn và sản lượng nuôi trồng đạt 3,250 tấn, đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ du lịch ở Phú Vang phát triển khá đa dạng đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Hiện, hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, giao thông ở các xã, thị trấn ven biển và đầm phá đã được chú trọng đầu tư nâng cấp khá đồng bộ, tạo thuận lợi trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững Quốc phòng – an ninh.
Ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Tập trung phát triển toàn diện vùng ven biển, đầm phá trở thành vùng kinh tế năng động, hiệu quả, tạo động lực, sức bật mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện là một trong những chương trình trọng điểm của huyện Phú Vang. Để hoàn thành tốt chương trình này, Phú Vang hiện đang tiếp tục tập trung đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch và phát triển thủy sản làm kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2020, vùng ven biển - đầm phá của huyện Phú Vang có kinh tế phát triển đạt mức khá của tỉnh”.
Bài, ảnh: Ngự Bình