Ông Hạp tự ý khám chữa bệnh, kê đơn bốc thuốc |
Lái “xe ôm” vẫn tổ chức khám bệnh, bốc thuốc
Công an tỉnh và Thanh tra Sở Y tế vừa kiểm tra và làm rõ ông Nguyễn Đình Hạp (trú 95 Ông Ích Khiêm, TP Huế) vốn hành nghề xe ôm, đã giả danh là một lương y có uy tín để khám bệnh, kê đơn bốc thuốc bán cho người dân, kiếm tiền bất chính. Khi các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện tại nhà ông Hạp có 113 hũ thuốc Bắc, các giấy tờ liên quan về khám chữa bệnh. Ông Hạp không cung cấp được giấy phép, bằng cấp nào về nghề y, ngoại trừ một giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mang tên lương y Dương Văn Trọng đã hết thời hạn sử dụng.
Theo tìm hiểu, trước đây, lương y Dương Văn Trọng thuê nhà ông Hạp lập phòng khám Đông y. Phòng khám có uy tín, được nhiều người dân tìm đến khám chữa bệnh. Một thời gian sau, xảy ra mâu thuẫn giữa lương y Dương Văn Trọng và gia đình ông Hạp nên lương y Trọng tách khỏi phòng khám, không thuê nhà nữa. Gia đình ông Hạp từ đó tự ý khám chữa bệnh, bốc thuốc. Bệnh nhân của ông Hạp đến từ các tỉnh miền Trung. Sự việc trên diễn ra giữa ban ngày, ở nơi đông dân cư nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn không biết hoặc không kiểm tra, xử lý, trong khi hàng chục người dân bị cánh xe ôm dụ dỗ, lừa chở đến đây để khám chữa bệnh. Và hậu quả là tiền mất, bệnh không khỏi mà còn nguy hiểm đến tính mạng.
Cuối tháng 11/2015, Công an tỉnh tiếp nhận đơn tố cáo của vợ chồng ông Võ Thời (55 tuổi, trú xã Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam) phản ánh vợ chồng ông bị ông Nguyễn Đình Hạp (ở TP Huế) giả danh lương y bán thuốc để lừa đảo hàng triệu đồng. Theo đó, cuối tháng 7/2015, ông Thời được bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam chẩn đoán mắc bệnh ung bướu nên vợ chồng ông bắt xe đò ra Bệnh viện TW Huế để khám bệnh. Tại đây, ông Thời bị chẩn đoán ung thư lưỡi sàn miệng. Trong thời gian điều trị tại Huế, ông Thời tình cờ gặp một xe ôm trước cổng bệnh viện giới thiệu đến gặp lương y ở số 95 Ông Ích Khiêm, TP Huế với lời “cam kết” nếu không chữa lành bệnh ung thư thì không lấy tiền (!?) Tin tưởng nên ông Thời đến nhà ông Hạp để khám bệnh thì được ông Hạp “nổ” đã chữa cho rất nhiều bệnh nhân mắc các loại bệnh ung thư. Riêng đối với bệnh của ông Thời, ông Hạp khuyên nên mua thuốc đưa về nhà uống, không cần ở lại Huế điều trị. Ông Thời tin tưởng mua 4 hộp thuốc chứa các viên thuốc vo tròn màu đen với giá 2,4 triệu đồng. Ngày 16/10, ông Thời trở lại Bệnh viện TW Huế để tái khám thì lại được một người chạy xe ôm khuyên về nhà ông Hạp lấy thêm thuốc, nếu không bệnh tình sẽ khó lành. Vì lo sợ nên ông Thời đến “phòng khám” ông Hạp lấy thêm 8 hộp thuốc như trên với giá 4,8 triệu đồng.
Ông Trần Đình Oanh, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, tháng 5/2014 ông Hạp đã từng bị phát hiện khám bệnh, bốc thuốc “chui”. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cơ quan chức năng không xử lý hành chính mà buộc đình chỉ hoạt động, cam kết không tái phạm và giao chính quyền địa phương quản lý. So với trước đây, bây giờ ông Hạp hoạt động bí mật hơn. Lần này, Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt hành chính 17,5 triệu đồng vì hành vi bán thuốc không có chứng chỉ hành nghề.
Xử lý dứt điểm
Tình trạng xe ôm giả danh làm y, bác sĩ để khám chữa bệnh đã từng xảy ra trước đây. Đầu năm 2015, ở TP Huế nổi lên tin đồn bác sĩ đa khoa Huỳnh Thất (trú 292 Đinh Tiên Hoàng, TP Huế) có tiếng chữa được nhiều bệnh với chi phí thấp. Nhiều bệnh nhân khi tìm đến các bệnh viện, phòng khám thì bị cánh xe ôm, xích lô chặn lại, chở đến phòng khám “bác sĩ Thất”. Phòng khám này không có máy móc, thiết bị y tế, không bảng hiệu... nhưng có vô số thuốc tây không rõ nhãn hiệu, nguồn gốc.
Khi ngành chức năng kiểm tra thì được biết, “bác sĩ” Thất… thất học sớm, hành nghề xe ôm quanh các bệnh viện tại TP Huế. Một thời gian ngắn, ông Thất giàu có nhờ vào việc tự ý khám chữa bệnh. Những người làm nghề chân chính bị giảm sút uy tín vì sự lộng hành, quấy nhiễu của ông Thất. Thỉnh thoảng, “bác sĩ” Thất còn lái ô tô đi khám chữa bệnh ở các tỉnh miền Trung... Đầu tháng 1/2015, Thanh tra Sở Y tế cùng Công an tỉnh, Công an TP Huế kiểm tra và phát hiện ông Thất đang tổ chức khám chữa bệnh, kê đơn bốc thuốc trái phép. Cơ quan chức năng làm rõ: ông Thất không phải là bác sỹ, không có bằng cấp, không có chứng chỉ hành nghề và thuốc chữa bệnh không có nguồn gốc rõ ràng. Cơ quan chức năng đã chấm dứt hoạt động trên, xử lý hành chính đối với ông Thất. Trước đó, năm 2012, ông Thất cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 25 triệu đồng về hành vi tương tự. Với những sai phạm liên tiếp, cuối tháng 11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định xử phạt ông Thất 95 triệu đồng.
Việc làm trái pháp luật, vi phạm đạo đức, coi thường sức khỏe, tính mạng của những người tự xưng y bác sĩ, tự lập phòng khám đã diễn ra từ lâu nhưng không được xử lý dứt điểm. Các y sĩ, bác sĩ chân chính khác cũng ngậm ngùi, thiệt hại đáng kể. Trong khi đó, nhiều người dân ở xa đến, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, lại bị một số xe ôm, xích lô mồi chài, dụ dỗ nên đã đến các phòng khám tư trá hình. Trách nhiệm nói trên trước hết ở chính quyền địa phương vì đã buông lỏng quản lý. Về phía người dân cần nâng cao cảnh giác trước những người lạ ở quanh các phòng khám, nên đến bệnh viện, các phòng khám Đông y.