Sáng sớm nay, chỉ khi mở bài hát “Chào sông Mã anh hùng”, khi giai điệu ngân lên, tôi như cảm nhận được nỗi bồi hồi, niềm xúc động khôn tả của anh ngày trở về với quê hương Nam Ngạn, với Đồng Vác, Đồng Sưởi quê Thanh yêu dấu. Cảm thấy quê nhà đang hát ru anh, lời hát ru trìu mến của miền sông Mã hùng vĩ, thơ mộng, kiên cường đời đời…

Chào anh nhé, anh Lê Văn Ngọ - người con trai của làng Nam Ngạn 22 tuổi của 51 năm về trước. Tôi làm sao mà không khóc được khi nhìn lá cờ Tổ quốc thắm tươi trên mộ chí của anh. Bao bọc anh. Còn anh thì im lặng. Nghĩa trang liệt sĩ Phú Vang sáng ấy im lặng - một sự im lặng đầy bâng khuâng lưu luyến của anh và đồng đội. Một nỗi mênh mông không lời…          

Ngày ấy, ngày 27/2/1964, ngày anh vào bộ đội theo tiếng gọi của miền Nam. Ngày 15/8/1966, anh được kết nạp Đảng. Từ đó anh về với mảnh đất Thừa Thiên quê tôi. Thành bộ đội K10-bộ đội địa phương, quân khu Trị Thiên bám đất, bám dân chiến đấu ở vùng Giáp ranh đầy máu lửa. Bộ đội K10 luôn là điểm tựa, niềm tin của người dân vùng đất Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền… ngày ấy. Họ là “Quả đấm mạnh của vùng”, góp phần giải phóng Huế, làm chủ Cố đô gần một tháng (25 ngày). Sau Tết Mậu Thân cùng đồng đội, anh đã chiến đấu quả cảm và hy sinh trong một trận càn vây ráp quy mô lớn của địch - nơi giáp ranh làng Dưỡng Mong A - Dưỡng Mong B, xã Vinh Thái, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Máu các anh thắm cánh đồng làng Dưỡng Mong…   

Như một cơ duyên, ngày tôi từ Huế tìm về làng Dưỡng Mong tìm theo dấu xưa của anh, theo tâm nguyện của người thân anh. Khi xe của tôi vừa chạm vào địa giới của làng. - A! Tôi còn nhớ mình đã hét to lên như thế nào.       

Một đàn cò trắng. Dễ có đến mấy trăm con. Khoảnh khắc. Nở tung như một triền pháo hoa màu trắng…             

Chiếc ô tô dừng khựng lại. Người lái xe bàng hoàng hỏi: “Cái gì thế?”. Tôi chỉ lên bầu trời. Cả đàn cò lớn đang bay tản vào mênh mông. Tôi vội vàng tìm máy ảnh.Không kịp. Cả cánh đồng lại rơi vào im vắng. Chỉ còn gió...

Nhưng tôi sẽ nhớ và chắc chắn không bao giờ quên cái khoảnh khắc thần tiên này. Một bài thơ đẹp. Một ám ảnh trắng. Thiết tha và bi tráng. Thao thức mãi trong tôi. Nhất là khi được người làng kể lại rằng ngay tại chính nơi cánh cò vụt bay lên ấy, hàng trăm chiến sĩ và dân quân du kích đã hy sinh.   

Đó là một chi tiết quan trọng trong câu chuyện dài đi tìm mộ anh - một câu chuyện cổ tích thời hậu chiến, cho riêng tôi. Đầy đến nỗi tôi chỉ muốn đem kể cho mọi người. Nhưng thôi, đó là chuyện khác.     

Đã 51 năm kể từ ngày anh lên đường nhập ngũ (1964-2015). 47 năm rồi, anh nằm lại mảnh đất cát trắng nắng cháy mưa dầm nghèo khó Phú Vang. Nơi các anh hy sinh, máu thanh xuân tưới thắm cánh đồng giờ đã bát ngát lúa vàng… Người dân quê một nắng hai sương, sống qua một thời đạn bom, một thời hòa bình, luôn là những người quý trọng từng tấc đất. Về Vinh Thái hôm nay, tôi cảm nhận sâu sắc điều đó, làng Dưỡng Mong giờ là một làng quê trù mật. Con người nơi đây đã thoát khỏi khó nghèo. Họ cố gắng vươn lên để sống xứng đáng với ngày hôm qua. Bao nhiêu là máu thắm đã tưới thấm trên đất này.

Ngày18/12/2015, Nghĩa trang Phú Vang tiễn anh bằng một bầu không gian sau mưa trong trẻo. Cơn mưa dừng lại đủ để người thân của anh thắp hương khắp lượt cho đồng đội anh thay lời từ biệt. Khói nhang bay trắng khu nghĩa trang mênh mông. Không biết ông trời hay đồng đội anh đã khôn thiêng vén mây, khi đưa anh lên khỏi lòng đất Phú Vang...

Sau thủ tục, chúng tôi tiễn anh ra xe. Một màn mưa trắng trời buông chùng, lưu luyến trìu mến tiễn đưa người đã hy sinh về với quê nhà. Chiếc xe chở anh dần xa khuất. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng hẳn rằng tất cả đều đã rất xúc động bâng khuâng, bồi hồi. Vì lẽ đó…           

Thôi anh về nhé, về nơi có bao nhiêu người thân bao năm canh cánh đau đáu nhớ thương anh. Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng được đón anh – người con trai trung dũng của làng Nam Ngạn anh hùng trở về trong niềm tự hào, kiêu hãnh… Anh thấy không, Hàm Rồng còn đó. Núi Ngọc còn đó. Hùng vĩ hiên ngang. Ngôi chùa làng anh vẫn nguyên vẹn dù bom đạn nhiều hơn lúa đồng. Và sự trở về của anh với lòng đất mẹ sau 51 năm cũng mang ý nghĩa ấy. Tôi thấy anh hiển hiện trong tươi xanh cau chuối, lúa đồng, hương sen của miền sông Mã – sông Hương…             

Soi cuộc đời mình trong cuộc sống của anh. Thấy mình bé nhỏ vô cùng. Gia tài của người con trai ưu tú của làng Nam Ngạn xứ Thanh ngày trở về là một chiếc tiểu sành nhỏ và bên trên là một tấm gỗ làm nắp đậy đơn sơ mà vô giá...

Chẳng có ngôn từ nào có thể nói cho hết những ân nghĩa sâu nặng với những người đã không hề tiếc máu xương, hiến cả cuộc đời thanh xuân cho nền hòa bình độc lập của đất nước như anh, như các anh – thế hệ cha anh của chúng ta.          

Sự hy sinh của những người vì dân vì nước bao giờ cũng có ý nghĩa soi đường…               

Huế, ngày 20/12/2015

Nguyễn Thị Lan Phương