Máy đúc bờ lô công suất 7.000 viên/ngày giúp DN phát huy hiệu quả kinh tế

Trong năm 2016, huyện Phong Điền có 6 đề án được Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại tỉnh tiến hành khảo sát hướng dẫn để đưa vào danh mục hỗ trợ vốn với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 335 triệu đồng. Trong đó, tập trung vào các đề án đầu tư máy nghiền phân hữu cơ vi sinh, thiết bị máy xay xát lúa gạo, đầu tư công nghệ mẫu mã chai và nhãn mác, đào tạo nghề theo hướng thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, đầu tư tủ ấp trứng công nghệ cao và máy đúc bờ lô...

Thành lập từ năm 2008, với ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, đúc bờ lô thủ công và cung ứng các thiết bị phục vụ ngành xây dựng, song nhiều năm qua do khó khăn về vốn, DNTN Đức Phát ở xã Phong An chưa trang bị máy móc để sản xuất số lượng lớn. Trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm bờ lô phục vụ hoạt động xây dựng các công trình dân sinh, nhà ở ngày càng nhiều nên DN luôn bị động và không đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đầu năm 2015, DNTN Đức Phát được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã triển khai thẩm định và phê duyệt đề án đầu tư máy đúc bờ lô công suất 7.000 viên/ngày với kinh phí 99 triệu đồng, trong đó vốn KC hỗ trợ 40 triệu đồng. Đây là thiết bị vừa sản xuất bờ lô đặc, vừa sản xuất được sản phẩm bờ lô rỗng rất tiện dụng. Hiện, máy đúc đang phát huy hiệu quả, tăng gấp 5 lần so với đúc thủ công; chất lượng sản phẩm khá đồng đều và tỷ lệ hư hỏng thấp, tiết giảm trên 70% sức lao động.
Nói về hiệu quả sau khi sử dụng máy, ông Nguyễn Hữu Pháp, Giám đốc DN cho biết: “Trước đây đúc thủ công mỗi ngày chỉ cho ra lò khoảng 600 viên trong khi các thao tác cần 4 người, còn đúc máy chỉ cần 2 người vận hành máy nhưng cho ra lò trên 3.000 viên, vật liệu rơi vải cũng ít hơn nhiều nên hiệu quả kinh tế cao. Sau khi đầu tư máy, trong năm 2016 DN sẽ đầu tư vốn mở rộng bãi chứa, trang bị thêm xe tải và các loại vật liệu xây dựng phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân địa phương”.  
Ông Hồ Quốc Hải, chuyên viên Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Phong Điền cho biết: “Hiện toàn huyện có khoảng 50 cơ sở sản xuất bờ lô thủ công và mỗi ngày cho ra lò hàng trăm ngàn viên bờ lô phục vụ hoạt động xây dựng trên địa bàn và các địa phương trong tỉnh. Trong đó, đề án Khuyến công đã hỗ trợ máy đúc hiện đại cho 4 cơ sở, 10 cơ sở tự bỏ vốn đầu tư, số còn lại chưa có điều kiện để trang bị máy. Cùng với đầu tư thiết bị đúc bờ lô hiện đại, nhiều năm qua nguồn vốn KC tỉnh đã hỗ trợ cho hàng chục cơ sở trên địa bàn huyện về công tác đào tạo nghề, ứng dụng máy ép củi trấu, sàng lọc phân vi sinh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tương măng Phong Mỹ…, tiếp thêm sức mạnh cho các cơ sở mạnh dạn đầu tư vốn trang bị máy móc, đào tạo nghề để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn”.
Ngoài nguồn hỗ trợ của chương trình Khuyến công tỉnh, năm 2015, từ nguồn ngân sách địa phương, huyện đã trích 15 triệu đồng hỗ trợ các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm tại hội chợ công nghiệp thương mại Huế 2015, đồng thời thẩm định 2 đề án với mức hỗ trợ 70 triệu đồng, đó là đề án đào tạo nghề sản xuất chổi đót ở HTX Tình Thương và đầu tư thiết bị tiên tiến sản xuất dầu tràm cho cơ sở Tiến Triều.
Bài, ảnh: Thanh Hương