“Tòa mời bác và các anh cùng đến đây để tìm tiếng nói chung, mỗi người nhường nhịn nhau một chút, thỏa thuận được vấn đề phân chia tài sản đồng thời giữ được hòa khí trong gia đình, tình nghĩa ruột thịt. Tuy nhiên, mọi người vẫn khăng khăng mỗi người một ý, buổi hòa giải hôm nay không thành. Mời bác và các anh về tiếp tục suy nghĩ, mong rằng lần hòa giải tiếp theo sẽ đạt kết quả”. Vị nữ thẩm phán (TAND TP Huế) vừa dứt lời, 4 người con trai ra khỏi phòng đi về một hướng, người con còn lại đưa cha già hơn 80 tuổi về hướng khác.

Trước đây, 6 anh em trai sống hòa thuận trong tình yêu thương của cha mẹ, trong ngôi nhà chưa đến 80m2 tọa lạc ở vị trí trung tâm thành phố, do cha mẹ tạo lập. Những người con lớn lên, lấy vợ sinh con. 3 người ra ở riêng, 3 người khác tuy đã có vợ con nhưng không có điều kiện nên sống chung với cha mẹ. Thời gian trôi đi, cha già mẹ yếu. Người mẹ qua đời không để lại di chúc. Nghĩ quỹ thời gian của mình cũng chẳng còn được bao lâu, người cha tính toán việc phân chia tài sản. Nhà đất chưa đến 80m2, chia cho 6 người con là không thể, nên người cha đem bán với giá 8 tỷ đồng. Tuy nhiên có người con “chống đối” nên chờ lúc đêm khuya, viết lên tường những dòng chữ thách thức đe dọa, ai dám đến mua sẽ bị... giết. Thấy vậy người mua nhà thối lui. Nhưng nếu không bán nhà thì không cách gì có thể phân chia tài sản. Những thành viên trong gia đình yêu cầu chia di sản thừa kế (phần của người mẹ đã mất).
Ban đầu người cha nói với các con sẽ đem phần tài sản của mình (1/2 giá trị nhà đất) và phần mình được hưởng di sản thừa kế của vợ (1/2 giá trị nhà đất chia đều cho 7 cha con, là hàng thừa kế thứ nhất) chia đều cho 6 người con. Như vậy sau khi bán nhà, tính ra mỗi người con sẽ được chia khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó người cha đổi ý, bảo sẽ đem toàn bộ phần của mình và phần mình được hưởng di sản của vợ cho một trong số 6 người con. Những người con còn lại chỉ được hưởng phần di sản của mẹ, trị giá khoảng 500 triệu đồng/người, cảm thấy quá “sốc”, không ai đồng ý. Có người “nổi khùng” to tiếng, lấy dao chém xuống mặt bàn dọa nạt, khiến cha phải rời nhà đi “lánh nạn”. Căng thẳng theo cha và các con đến chốn pháp đình.
Trước câu hỏi của vị thẩm phán, tại sao lại thay đổi ý định về cách phân chia tài sản của mình mà cách đó sẽ gây nên tị nạnh, mâu thuẫn bất hòa trong con cháu, người cha lý giải, những đứa con khác chỉ nhăm nhe tài sản, thậm chí bất hiếu. Chỉ duy nhất một người biết hiếu thuận với cha già. Đồng thời, với việc thay đổi quyết định về phân chia tài sản, ông đã chuyển đến sống với vợ chồng người này. “Người con từng có hành vi đe dọa người mua ngăn cản không cho cha bán nhà, dùng dao chém xuống bàn đe dọa cha, đã nhận lỗi và xin cha tha thứ, nhưng ông vẫn không thay đổi ý định. Tôi cũng ướm hỏi người con được cha cho toàn bộ tài sản, có thể san sẻ bớt cho anh em của mình. Đương sự này trả lời điều đó phụ thuộc vào thiện chí của các “đối phương”. Tuy nhiên thật đáng tiếc, tại buổi hòa giải ánh mắt, thái độ của các đương sự (anh em ruột) hoàn toàn trái ngược với hai chữ “thiện chí”. Họ nhìn nhau như những người xa lạ, thậm chí hằn học, tức tối” - nữ thẩm phán lắc đầu. Chị cho biết đã giải thích pháp luật cho tất cả các đương sự, rằng những người con chỉ được hưởng phần di sản của mẹ. Phần tài sản của người cha, muốn cho ai đó là quyền của ông chứ không bắt buộc phải chia đều. Đừng “nặng nề” điều đó mà dẫn đến anh em bất hòa không nhìn mặt nhau, mất tình ruột thịt...
Quỳnh Anh