Một bé gái tị nạn tại trung tâm tị nạn của tổ chức từ thiện Đức Arbeiter Samariter Bund ASB. Ảnh: Reuters

Gần một triệu người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh, bạo lực và nghèo đói ở các nước như Syria, Iraq và Afghanistan đổ xô đến Đức trong 11 tháng đầu năm nay, trong đó có khoảng 300.000 trẻ em. Làn sóng tị nạn khiến các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở. Một số người phải tạm trú trong những phòng tập thể thao và các tòa nhà văn phòng trống.

Khi đánh giá tình hình nói trên, Chính phủ Đức và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhận định, trẻ em và phụ nữ sống trong các trại tị nạn có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực và lạm dụng, nhất là tại các trung tâm lưu trú và tiếp nhận tạm thời.

“Sau chuyến hành trình dài và nguy hiểm, trẻ em và phụ nữ tị nạn ở Đức cần có một nơi ở an toàn. Vô số nhân viên và tình nguyện viên đang thực hiện một công việc tuyệt vời. Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn bắt buộc đối với việc bảo vệ nhóm người tị nạn này”, Giám đốc điều hành UNICEF tại Đức Christian Schneider cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Bộ Gia đình liên bang Đức Manuela Schwesig nói với các nhà báo rằng, có một số trường hợp các nhân viên và tình nguyện viên hành hung trẻ em ở những khu vực tạm trú của người tị nạn.

Trong một báo cáo gần đây của UNICEF, bà Manuela Schwesig cho hay, một số vụ việc liên quan đến bạo lực, hiếp dâm và tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em gái tại các trung tâm tị nạn đã được phát hiện.

Do đó, bà Manuela Schwesig nhấn mạnh, các trung tâm tị nạn cần được trang bị phòng bảo vệ riêng dành cho trẻ em, cũng như thiết bị vệ sinh riêng cho nam giới và nữ giới.

Bà Schwesig cũng trình bày một số biện pháp nhằm cải thiện sự an toàn của phụ nữ và trẻ em tị nạn. Một trong những biện pháp đó là kế hoạch hỗ trợ lên đến 200 triệu euro (tương đương với 220,40 triệu USD) mà Bộ Gia đình liên bang Đức và Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) sẽ cung cấp thông qua các khoản đầu tư để xây dựng trung tâm tị nạn mới và xây sửa nơi tạm trú hiện tại nhằm bảo vệ tốt hơn phụ nữ và trẻ em.

Biện pháp thứ hai là thực hiện đào tạo những người làm việc ở các trung tâm tị nạn để bảo vệ trẻ em và phát hiện bạo lực tình dục. Cuối cùng, Bộ Gia đình liên bang Đức cho biết sẽ thành lập trung tâm dành cho các nạn nhân chịu bạo lực để được hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc tốt hơn.

 

Thanh Ngân (lược dịch từ Reuters & Breakingnews)