Trang trại của ông Đống luôn chủ động được nguồn heo giống

Vốn làm nghề xây dựng, đi nhiều nơi nên ông Đống gặp nhiều mô hình chăn nuôi heo rừng thành công, mang lại thu nhập cao. Ông bắt đầu nung nấu ý tưởng, tìm mua đất để mở trang trại nuôi heo rừng. Lúc đầu, ý tưởng của ông bị gia đình phản đối gay gắt vì kỹ thuật nuôi heo rừng tương đối khó và chi phí đầu tư khá cao, phần nữa muốn nuôi heo rừng thì ông phải về các vùng đồi, đất đai rộng để mở trang trại, chấp nhận sống xa gia đình. Nhưng thấy ông quyết tâm cao độ, gia đình chấp thuận để ông về quê nuôi heo rừng.

 “Những lứa đầu tiên do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, heo thường xuyên bị dịch bệnh. Mỗi lọ thuốc phòng bệnh, trị bệnh cho heo rừng đều trên một triệu. Mua giống mất 50 triệu đồng, xây chuồng hết 75 triệu đồng chưa kể tiền mua thức ăn và các chi phí khác… Vốn liếng dành dụm từ lâu đã đổ hết vào trang trại nên muốn nản cũng không được phép”, ông chia sẻ. Sau thất bại, ông tiếp tục tìm đến các địa chỉ uy tín để học hỏi thêm kinh nghiệm. Những năm tiếp theo, tuy hạn chế được dịch bệnh nhưng thu lãi về cũng chưa đáng kể. Đến năm 2008, ông được dự án “Thử nghiệm chăn nuôi heo rừng” của tỉnh hỗ trợ thức ăn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Từ 10 con giống ban đầu, đến nay ông luôn chủ động được nguồn heo giống với 50 con heo bố mẹ và hơn 100 con heo thịt. Mỗi năm, heo nái rừng đẻ hai lứa, mỗi lứa đều đạt 7-9 con, tỷ lệ sống sót cao. Để có được những con heo rừng khỏe mạnh, ông luôn tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng chữa bệnh cho đàn heo theo ngày tuổi và theo chu kỳ. Khẩu phần ăn cũng phải theo công thức 60-70% thành phần tự nhiên để đảm bảo thành phần mỡ, nạc của heo.

Ông cho biết, để nuôi heo rừng thì chuồng trại phải kiên cố, chủ yếu làm bằng thép B40, cao tầm 2m. Vì diện tích trang trại khá rộng, heo con mới sinh chủ yếu nuôi thả, sau ba tháng mới cho vào chuồng nuôi nhốt. Heo nuôi thả có nhiều ưu điểm hơn đó là sức đề kháng cao, heo di chuyển nhiều, có thể tự tìm thức ăn nên thịt cũng săn chắc và ngon hơn. Thức ăn chủ yếu của heo rừng là các loài cỏ, cây chuối, sắn củ và bã đậu. Bên cạnh đó, cần làm tốt khâu vệ sinh và phòng trừ dịch bệnh cho đàn heo. Hàng năm, ông xuất bán heo thịt với giá 200 nghìn đồng/kg heo hơi và 350 nghìn đồng/kg heo giống; sau khi trừ các khoản chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng. Heo rừng vốn tính hoang dã, thích sống bầy đàn, thích ủi đất nên những năm đầu ông dùng số tiền lãi thu được để mua thêm đất mở rộng trang trại, phát triển đàn heo rừng. Heo rừng của ông Đống tiêu thụ ổn định quanh năm, những dịp cao điểm như lễ, Tết số lượng có khi gấp đôi ngày thường.

Sau hơn 10 năm phát triển và mở rộng, đến nay mô hình VACR của ông đã lên đến 10 ha. Ngoài nuôi heo rừng, ông Đống còn trồng rừng, nuôi thêm gà kiến, đào ao thả cá để tăng thu nhập.

Theo ông Đống, nuôi heo rừng đang là một hướng phát triển rất triển vọng. Đây là một nghề nuôi mới, đang thời kỳ đầu nên sinh lợi cao. Tuy nhiên, ông sẵn sàng chia sẻ bí quyết, kỹ thuật cho những người đến học hỏi kinh nghiệm. 

Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo