LỤC ĐẬU

8. Lục Đậu, tục danh đậu xanh, hạt có mấy sắc nên gọi là quan lục và du lục, có thể nấu cháo, nấu cơm, nấu chè, làm bột, làm bánh, chế nước giải khát... để bồi bổ sức khỏe. Hạt của nó đem tẩm nước cho lên mầm làm giá là vật ngon trong các thứ rau, có thể làm chất giải các thứ độc, thật là loại cốc cứu đời. Theo kinh nghiệm dân gian, khi trồng đậu xanh nên kiêng ngày Mão. Người bệnh đang uống thuốc, tránh ăn các món có thành phần đậu xanh. Đậu xanh được dùng nhiều trong bữa ăn chay, người nhà Phật có nhiều phương cách chế biến làm món ăn ngon từ loại đậu này.

Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây đậu xanh có quả vào Chương đỉnh.
 
ĐIỂU THƯƠNG
 
9. Điểu Thương, tức súng bắn chim, loại súng săn được sản xuất khá phổ biến dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng. Súng có thân, nòng hơi dài, bắn từng viên một như súng trường sau này (vì vậy có sách ghi là súng trường), có thể dùng trong chiến đấu. Điểu thương là một thành tựu của sự phát triển khoa học kỹ thuật quân sự ở vào thời Nguyễn sơ. Dưới triều Minh Mạng, mỗi vệ quân (đơn vị bộ binh khoảng 500 người), ngoài các loại vũ khí khác còn được trang bị thêm 200 khẩu điểu thương. Thời Tự Đức, triều đình tổ chức thi Tiến sĩ Võ, có môn thi bắn súng điểu thương, tức dùng loại súng này.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng loại súng điểu thương lên Chương đỉnh.
 
NGŨ TINH
 
10. Ngũ Tinh, tức năm ngôi sao, nhà thiên văn thường gọi là năm vị hành tinh gồm: Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, ứng với Ngũ hành, năm thành tố hình thành vũ trụ.
 
Kim tinh còn có tên Minh tinh, Thái Bạch, buổi sáng sớm nó mọc ở phía Đông, được gọi là Khải Minh, buổi hoàng hôn nó xuất hiện ở phía Tây, được gọi là Trường Canh. Mộc tinh còn có tên cổ là Tuế tinh, thường gọi là sao Tuế. Thủy tinh còn có tên là Thần tinh; Hỏa tinh có tên Huỳnh Hoặc; Thổ tinh còn có tên Trần tinh. Nhà thiên văn thường quan sát những thay đổi của ngũ tinh để đoán việc thế sự và thời tiết.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng ngũ tinh lên Chương đỉnh.
 
ĐẬU KHẤU
 

Thông tin liên quan:

>> Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 15

11. Đậu Khấu, còn gọi là bạch đậu khấu, viên đậu khấu một loại cây đậu chỉ mọc nhiều ở vùng miền Trung và Nam Bộ. Theo các nhà Đông y, đậu khấu có tác dụng rất tốt cho việc hành khí, ấm dạ dày, tiêu thực khoan trung, trừ hàn hóa thấp; người ta thường dùng hoa và hạt của nó sao vàng hạ thổ, chiết tinh dược liệu chế biến để làm thuốc chữa đau dạ dày, đầy bụng, nôn mửa, ăn không tiêu và chữa các bệnh về phổi. Lại có mấy loại gọi là thảo đậu khấu, hồng đậu khấu, nhục đậu khấu đều có giá trị cao trong y dược. Đậu khấu cũng là một loại cốc đáng quí của nước ta.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây đậu khấu vào Chương đỉnh.
 
(còn nữa)
 
Dương Phước Thu