Đ/c Lê Khả Phiêu bắt tay Đ/c Thái Công Đức (ngoài cùng bên phải) trong buổi gặp mặt của Trung đoàn 9 (năm 2015)

Cận kề cái chết… lại lập công

Anh hồi tưởng sau chiến dịch 25 ngày đêm xuân 1968, tôi được cấp trên phân công dẫn Trung đoàn 9 do đồng chí Lê Khả Phiêu chỉ huy rút về vùng giải phóng Hiền Sĩ (Phong Điền) Trung đoàn 9 ém quân từ Đồng Dạ đến Hiền Sĩ phía bắc sông Bồ. Lúc này, sư đoàn kỵ binh bay của Mỹ từ đồng bằng Sông Cửu Long đổ bộ ra Huế. Lính kỵ binh bay xuất hiện ở căn cứ Mỹ ở Vũng Bồng. Tổ của tôi gồm 3 người được phân công cảnh giới động thái di chuyển phản kích của quân Mỹ. Chúng tôi di chuyển từ Động Bồ qua Động Xoài và thấy địch dập pháp, cho trực thăng thụt rốc két và xả hàng tràng đại liên. Tôi nhận định: Hiện tượng này là địch dọn đường để vừa hành quân vừa đổ quân phản kích quân chủ lực của ta. Tôi trực tiếp trở về Hiền Sĩ báo cáo cho chỉ huy Trung đoàn 9 chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Trở lại đồi Dương thôn Hiền Sĩ, tôi tiếp tục cảnh giới. Khoảng 10 giờ sáng, tôi phát hiện quân Mỹ từ căn cứ Vũng Bồng lên Động Bồ và hướng hành quân về thôn Hiền Sĩ. Máy bay HU1A quần đảo xả đạn. Tôi nghĩ phải bắn được máy bay mới cứu được mình và cũng là tiếng súng báo hiệu cho Trung đoàn 9. Tôi từng được nghe bài bản về kỹ thuật bắn máy bay thì bắn đón đầu cách một, hai, hay ba chiều dài thân máy bay tùy độ bay nhanh hay chậm. Rối rắm quá. Một suy nghĩ lướt nhanh: Cứ đầu ruồi đậu đít điểm đen mà lẫy cò. Chờ chiếc máy bay lao chính diện, cả thân chiếc máy bay như một điểm đen cố định khi đó tôi bóp cò khẩu AK. Y như rằng chiếc máy bay trúng đạn, nó lướt qua đầu tôi bốc cháy và đâm sầm xuống triền đồi.

Nổ mìn… so le

Từ căn cứ Vũng Bồng, hàng ngày lính Mỹ hành quân càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng và ngăn chặn trục giao thông giữa vùng sâu Phong Quảng và chiến khu Hòa Mỹ. Trung đội của Thái Công Đức được phân công bám Mỹ và diệt Mỹ. Tìm hiểu quy luật hành quân của Mỹ, chúng thường đi theo đội hình chữ nhất, đến các điểm cao như đồi Tóc Bạc, đồi Phổ Lại thì chúng tập kết cho đợt hành quân tiếp theo. Hôm đó là ngày 17/5/1968, chúng tôi chọn vị trí đồi Tóc Bạc để đánh địch. Đơn vị tôi gài một quả mìn cờ-lay-mo, 1 quả DH10 (cũng là mìn định hướng) sáu anh em chúng tôi mật phục. Khoảng 5 giờ chiều, trời còn nắng, song đồi lại có bóng cây che mát, đúng như dự đoán của chúng tôi… lính Mỹ dừng chân trốn nắng nóng. Chúng tôi bấm quả mìn cờ-lay-mo. Địch chết và bị thương kêu la hốt hoảng. Chúng cho rằng tiếng nổ là do vấp phải mình nên chúng co cụm lại để cứu chữa lẫn nhau. Đợi cho chúng tập trung, chúng tôi bấm quả DH10 và tiếp tục nổ súng. Sau đó, địch cho 2 trực thăng thu gom xác và chở lính bị thương. Đơn vị tôi an toàn.

Mình có cái mũi… hay hay

Cũng trong năm 1969, Trung đội của Đức từ đồi Lá Ngạnh, Phong Mỹ về vùng sâu công tác. Trời chập choạng tối. Gió nồm thoang thoảng. Đang xuôi vùng đồi, tự nhiên cái mũi của mình đánh hơn thấy mùi Mỹ. Cái mùi rất khó tả. Chẳng phải mùi mồ hôi, chẳng phải mùi áo quần ủi hồ. Nó na ná cái mùi của áo bành bây giờ. Từ bị động, đơn vị chuyển sang trạng thái chủ động và chia thành 3 mũi để đánh phản phục kích. Khi tiếp cận và xác định đúng mục tiêu lính Mỹ, 3 tiểu đội tập trung B40, thủ pháo, AK nổ tới tấp chừng 5 phút và rút quân. Thấy Mỹ huy động trực thăng để hốt quân và lấy xác, thế là biết trận đánh phản phục kích có hiệu quả.

Rồi trận diệt bo bo Mỹ trên sông Bồ đoạn ở thôn Bổ đoạn ở thôn Cổ Bi; trận gánh bom của Mỹ và tra kíp nổ để phá Cống trên Quốc lộ 1A ở Ba Phường.

Cho đến cuối năm 1969, trong khi đánh đồn An Lỗ thì Thái Công Đức bị thương. Trên đường ra Bắc chữa trị, hành trang của Đức là những tấm giấy khen, giấy chứng nhận dũng sĩ. Sau 1 năm chữa trị điều dưỡng, trước khi trở lại chiến trường, Đức đã gởi lại hồ sơ cho Đoàn 580 Ninh Bình.

Hồi đó, sau mỗi trận đánh, đồng chí Võ Nguyên Quảng thường động viên khen thưởng. Nhiều đồng đội của Đức đã ngã xuống trên chiến trường. Bây giờ còn lại các anh cùng tham gia các trận đánh như anh Lê Miễn, Nguyễn Ty ở Tứ Chánh, anh Đoàn ở Cổ Bi.

Thái Công Đức tâm sự: Mình hăng hái đánh giặc có nhiều nguyên nhân, nhưng điểm xuất phát là thù nhà nợ nước. Gia đình mình có 8 người tham gia lực lượng vũ trang, trong đó có 4 người là liệt sĩ, 3 người là thương binh.

Nguyễn Lê Huy