Kim Anh (hàng đầu, bên phải) nhỏ bé trong lớp học

Trong căn phòng học lớp 9/3, Trường THCS Quảng Phú (Quảng Điền), Kim Anh như người em út bởi chiều cao khiêm tốn nhiều so với bạn bè. Em kể, khi được 10 tháng tuổi, xuất hiện những dấu hiệu chậm lớn, bố mẹ em cố tìm đủ thứ cho con ăn song chiều cao của cô bé vẫn thua xa những đứa trẻ cùng trang lứa. Đưa con đi khám, họ mới hay em bị khuyết tật bẩm sinh.

Lớn lên trong dáng hình nhỏ bé, mọi sinh hoạt của em đều rất khó khăn. Kim Anh chia sẻ, do gia đình nghèo nên ba mẹ không thể đưa em đến lớp mỗi ngày. Khoảng cách từ nhà đến trường khá xa khiến em luôn phải đi bộ một mình. Cố gắng tập xe đạp, nhưng số lần ngã nhiều không đếm nổi. Em bảo: “Không có chiếc xe nào vừa với chiều cao của em cả. Đã hạ thấp yên, cổ xe nhưng vẫn quá cao”. Mò mẫm tự tập đạp xe, mỗi ngày em xin mẹ dành dụm 5.000 đồng cùng với số tiền hỗ trợ của nhà nước 150.000 đồng/tháng dành cho người khuyết tật, ngày biết đạp xe cũng là ngày em mua được chiếc xe đạp mới loại “nhỏ nhất trong các loại xe nhỏ”.

Thầy Phan Thanh Minh, Tổng phụ trách Trường THCS Quảng Phú nhận định: “Kim Anh là cô học trò tuy có ngoại hình nhỏ bé nhưng biết vượt qua hoàn cảnh bản thân để cố gắng hòa đồng với bạn bè. Em chăm chỉ học tập với sức học khá và tích cực tham gia các hoạt động của đoàn đội, của nhà trường phát động”.

Anh Phạm Minh Tuấn, ba Kim Anh trải lòng: “Tui có 4 đứa con thì duy nhất nó bị khuyết tật nhưng rất ham học. Người nhỏ bé nhưng nhắc đến chuyện học là nó thích lắm. Ở nhà do một số thứ đóng ở vị trí bình thường cho mọi người nên nó sinh hoạt khá khó khăn. Nhưng chuyện chi nó cũng bảo, ba đừng lo, con cố gắng được”.

Tuổi thơ Kim Anh gắn với những ngày tháng buồn. Lên lớp 3, em mắc thêm chứng bệnh cong vẹo cột sống thắt lưng khiến việc đi lại, ngồi học lâu khó khăn. Hình dáng nhỏ bé và bệnh tật là nguyên nhân khiến em phải hứng chịu nhiều lời trêu chọc từ phía bạn bè. Kim Anh tâm sự, có những lời chọc nhẹ nhàng nhưng cũng có nhiều câu nói xúc phạm, cứa sâu vào nỗi tủi thân của em. “Sự phân biệt, kỳ thị của các bạn đối với em khủng khiếp lắm”, Kim Anh chua chát. Nhiều lần vì không thể vượt qua mặc cảm, em đã nghĩ đến chuyện bỏ học.

Em còn muốn bỏ học nữa không? – tôi hỏi. Kim Anh mỉm cười: “Chắc là không. Tuy bây giờ một số bạn vẫn thỉnh thoảng cười hình dáng của em, nhưng em đã tập làm quen với cuộc sống đó, mục tiêu của em là tiến xa hơn trong bước đường học tập”. Cô bé có dáng hình nhỏ nhắn chia sẻ, những lúc tủi thân, ngoài việc tâm sự với người cha quanh năm gắng sức phụ thợ hồ để em và 3 người con khác đến trường đàng hoàng thì em lại tìm đến những giáo viên trong trường, nhất là thầy hiệu phó. Những lời động viên, giải thích ân cần, gần gũi của thầy làm cô học trò dễ đồng cảm. “Thầy nói, ngày xưa thầy cũng có chiều cao khiêm tốn giống em và cũng bị mọi người trêu chọc nhưng thầy đã quyết tâm vượt qua tất cả. Có lẽ, chính tình cảm của thầy đã giúp em có thêm sức mạnh. Trong đầu em bây chừ chỉ có một suy nghĩ là cố gắng học thật giỏi để đền ơn thầy và em sẽ cố gắng hết sức”, cô bé tự tin.

Trò chuyện với chúng tôi, những suy nghĩ của Kim Anh khá chín chắn. Em cho rằng, những người mang trong mình một nghịch cảnh gì đó thường hay mặc cảm, chính lòng tự ái có thể làm nhiều người đánh mất tương lai.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc