Bố trí kinh phí thực hiện quảng bá giới thiệu đường bay trên các phương tiện thông tin truyền thông, tờ rơi, hộp thử điện tử công vụ và một số điểm quảng cáo ngoài trời trên địa bàn là điều sẽ được Thừa Thiên Huế thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận với các nhà đầu tư có cam kết duy trì đường bay và có kế hoạch bay chi tiết trong thời hạn tối thiểu từ 6 tháng trở lên với tần suất 2 chuyến/tháng. Mặt khác, để tạo những điều kiện thuận lợi nhất có thể cho việc duy trì và phát triển đường bay, tỉnh sẽ hỗ trợ miễn phí  01 văn phòng hoặc 01 điểm giao dịch với mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/tháng (120 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó là các mức hỗ trợ đáng kể khác như 100% chi phí trung chuyển hành khách hai chiều từ Huế đi sân bay Phú Bài và ngược lại; giảm 50% giá vé vào các điểm tham quan thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý cho hành khách trên chuyến bay thông qua doanh nghiệp khai thác đường bay mới; hỗ trợ kinh phí và phối hợp cùng nhà đầu tư và các đối tác tổ chức đón tiếp các đoàn khách du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị đồng thời sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm đầu mối để kết nối các doanh nghiệp dịch vụ du lịch; xây dựng giá ưu đãi cho các chương trình tham quan sử dụng đường bay, mục đích là có cơ chế giảm giá buồng, phòng và các dịch vụ khách cho hành khách của đường bay (nguồn thuathienhue.gov.vn).

 

Như vậy, sau chuyến bay charter fligh (chuyến bay thuê bao) hai chiều Băng Cốc – Huế đã được áp dụng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ trước khi có QĐ 01/2016/QĐ-UBND này, tỉnh đang có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm đối tác để mở rộng phạm vi hoạt động của Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài. Ở các đường bay nội địa, hiện tại, ngoài các chuyến bay đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Huế đã có thêm đường bay đến Đà Lạt, sắp tới sẽ là Nha Trang và sau nữa là Cần Thơ trên máy bay của hãng hàng không Jestar. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của tỉnh trên lĩnh vực này được xem như là một sự kích cầu để kết nối và mở rộng phạm vi và biên độ của sân bay Phú Bài, từng bước hướng đến sự tương ứng hợp lý với tên gọi là một cảng hàng không quốc tế ở một thành phố văn hóa – du lịch và thành phố Festival. Qua đó, tương hỗ một cách tích cực hơn cho hoạt động du lịch – dịch vụ.

Điều cần nói thêm ở sự hy vọng và cả kỳ vọng này là Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài sẽ được đầu tư thêm cửa hải quan hợp lý hơn chứ không phải là kiểu “dã chiến” như đang có với các chuyến bay đến và đi tuyến Băng Cốc – Huế và ngược lại.

Nguyễn