Tuyên dương các DN, Doanh nhân tiêu biểu của tỉnh

 Chung tay cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Lê Quang Minh cho rằng,  tỉnh chọn năm 2016 là “Năm doanh nghiệp” là chủ trương hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian qua, ngoài những hỗ trợ về chính sách thuế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Quỹ Đầu tư Phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa (NVV) dưới sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh cũng đã chính thức đi vào hoạt động (tháng 11/2015). Với tổng vốn 326 tỷ đồng, đến nay, Quỹ đã tiếp nhận được 256 tỷ đồng và hiện có 195 tỷ đồng sẵn sàng cho các DN vay.

Các DN NVV được Quỹ đầu tư Phát triển và Bảo lãnh tín dụng xem xét, cấp bảo lãnh khi hội đủ các điều kiện: Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác...

 

DN Thừa Thiên Huế tuyệt đại đa số  là DN nhỏ, siêu nhỏ (có vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng), chiếm đến 96%. Vì vậy, vai trò của các DN NVV đối với nền kinh tế của tỉnh là rất quan trọng, không chỉ trong giải quyết việc làm (với hơn 71 ngàn lao động đang làm việc tại các DN NVV) mà còn đóng góp không nhỏ vào GDP của tỉnh. Thế nhưng trong nhóm đối tượng này, chỉ có 54% DN tiếp cận được vốn từ ngân hàng, số còn lại không thể vay vốn do không có hoặc không đủ tài sản thế chấp.

“Công khai, minh bạch, bình đẳng và cùng phát triển là mục đích của Quỹ”, ông Minh cho hay. Để hiện thực hóa điều này, chúng tôi đã công khai mọi thông tin liên quan lên trang web của Quỹ để giúp DN có thể tiếp cận và trao đổi thông tin. Quỹ cũng đã phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ để giúp các DN có thể tiếp cận nhanh nhất; phối hợp với các ngân hàng (BIDV và Viettinbank) cho vay hợp vốn... Với lãi suất tối thiểu 6%/năm, các DN có nhu cầu vay vốn, hay DN không có tài sản thế chấp Quỹ sẽ đứng ra bảo lãnh để được vay ngân hàng (DN phải trả phí)... được xem là “giá đỡ an toàn” cho các DN khi tìm đến Quỹ.

Đây được coi là một giải pháp cần thiết giúp tháo gỡ phần nào khó khăn về nguồn vốn cho DN, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nhiều kỳ vọng 

Kỳ vọng vào “Năm doanh nghiệp” 2016, anh Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh nói, “chúng tôi mong tỉnh quan tâm xử lý những vướng mắc, tạo điều kiện cho DN phát triển”. Cụ thể, với những kiến nghị của DN, cần có mốc thời gian xử lý, cung cấp thông tin rõ ràng, giao trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân nào giải quyết để DN biết và có kế hoạch hoạt động. Ngoài ra, DN cũng muốn được tỉnh công khai rộng rãi các dự án, chương trình đầu tư phát triển kinh tế... để DN biết và tham gia hoặc liên kết đầu tư.

Là một trong những DN tiên phong “đem chuông đi đánh xứ người”, Giám đốc Xí nghiệp Thành Lợi Nguyễn Minh Lợi cho rằng, lâu nay, đa phần DN đều “tự bơi”. Chúng tôi mong thời gian tới tỉnh có chính sách dù nhỏ để động viên, quan tâm DN và nên có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các DN đã và sẽ đầu tư ra nước ngoài. 

Đại diện một DN kinh doanh ngành hàng đặc sản hồ hởi, việc Thừa Thiên Huế chọn 2016 là “Năm doanh nghiệp” không những thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với cộng đồng DN mà còn mở ra hy vọng lớn, có thêm “lực đẩy” giúp DN trong phát triển SXKD. Tuy nhiên, tỉnh cần có chính sách ưu đãi hơn về mặt bằng sản xuất, linh hoạt điều chỉnh giảm giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp, thời hạn thuê và thời hạn trả tiền thuê để hỗ trợ DN. 

Trong “Năm doanh nghiệp”, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển DN; xây dựng chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với các nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực, các dự án lớn làm đòn bẩy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn...

Các DNNVV góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho người lao động (Trong ảnh: Làm sản phẩm gỗ ngoại thất tại CT CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế- Huwoco)

Bài, ảnh: Liên Minh