2016 là Năm Doanh nghiệp (DN), về phía Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này ?

Đây là điều rất mừng. Khi tỉnh xem đây là là năm để tập trung cho phát triển kinh tế. Cùng với sự tiếp nối những hỗ trợ của tỉnh trong năm 2015 (như: tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính...) đã có những chuyển biến khá tốt thì tin rằng, năm 2016 sẽ có sự chuyển đổi tốt hơn nữa.

HHDN tỉnh luôn tìm cách làm sao để nguồn lực của các DN hội viên có chuyển biến tốt hơn, hợp lực với nhau được để tạo nên sức mạnh. Vì vậy, HHDN đã và đang trang bị, cung cấp cho DN các kiến thức thông qua các hội thảo chuyên đề do các chuyên gia kinh tế phân tích, trình bày. Từ những kiến thức được trang bị, họ vận dụng vào DN của mình để tìm đường đi phù hợp. Hướng các DN tham gia vào chuỗi sản phẩm, một sản phẩm có thể do nhiều DN hợp tác để làm. Động viên các DN lớn sử dụng các sản phẩm của các DN hỗ trợ tại địa phương...

Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi các địa phương khác, các DN nhỏ chịu “ngồi lại” với nhau thì Huế chưa làm được. Ở mối liên kết này, DN Huế cực kỳ yếu. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nhiều nỗi lo. Lo vì thực tế những hoạt động vì cộng đồng DN, vì sự phát triển kinh tế vẫn có độ “vênh” chứ không xuyên suốt, đều khắp từ lãnh đạo tỉnh đến các ban ngành. Nơi này quyết liệt nhưng nơi khác vẫn ì ạch. Vậy thì trong năm 2016 liệu có “đều” hơn không? Làm được điều đó cần sự thay đổi.

Ngày 31/12/2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, một số hiệp định thương mại khác được ký kết cũng như chuẩn bị ký kết, theo ông, cộng đồng DN TTH phải làm gì để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng ?

Là lực lượng tiên phong và trụ cột của nền kinh tế, nhưng DN Huế đa phần nhỏ và siêu nhỏ, rất yếu trước “cơn bão” hội nhập. Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu của DN hiện nay là lo cho bản thân: Làm sao để phát triển và tồn tại trong hội nhập. DN phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để “đứng” được trong “chuỗi giá trị” của các khâu kinh doanh, từ cung ứng, sản phẩm, các ngành nghề... trong hệ thống đó. Nếu đơn lẻ, DN sẽ “chết” khi ra “biển lớn”.

Với DN “yếu”, phải nghĩ đến việc liên kết, hợp tác với nhau. Hiện một số DN đã manh nha trong việc hợp lực lại nhưng chưa nhiều. Vì vậy, theo tôi lãnh đạo tỉnh phải tạo được niềm tin để thấy rằng thúc đẩy phát triển kinh tế là của cả xã hội chứ không riêng một tổ chức hay DN riêng lẻ nào. Từ đó, người dân mới dốc hết lực và tiền của ra làm ăn. Nếu chưa yên tâm, người dân và DN sẽ không dám đầu tư vì sợ rủi ro.

Với AEC, vì các nước trong khu vực có đặc điểm chung khá tương đồng, như: đều là các nước đang và mới phát triển, có thế mạnh về nông nghiệp... nên theo tôi, cạnh tranh trong AEC là khốc liệt nhất. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải chọn ngành nào là thế mạnh (với Huế, chúng ta có dệt may, du lịch, khoáng sản... ) tập trung toàn lực vào những ngành có ưu thế. Việc này đòi hỏi Nhà nước phải có quy hoạch, tầm nhìn cụ thể cũng như có các chế độ chính sách ưu đãi.        

Để đáp ứng những kỳ vọng cũng như những nhiệm vụ trên DN mong mỏi từ phía Nhà nước (cụ thể là tỉnh) những gì, thưa ông ?

Mong mỏi lớn nhất không chỉ riêng cho DN là tỉnh tạo ra được sự chuyển động lớn trong toàn xã hội. Theo tôi đây là giai đoạn thời cơ. Thời cơ ở chỗ, vừa Đại hội Tỉnh đảng bộ xong, nhân sự có thay đổi, bắt đầu của nhiệm kỳ mới; thêm vào đó. Nếu không chớp được thời cơ của giai đoạn này, ít nhất đến 2020 may ra mới có cơ hội lần thứ 2.

Với mục tiêu, phấn đấu đến 2020 Huế không chỉ tăng về số lượng DN (có 20.000 DN lớn nhỏ so với hơn 5.000 hiện nay) mà còn tăng cả về chất lượng, HHDN cũng mong tỉnh có đề án cụ thể, như: trong 20.000 DN có bao nhiêu DN lớn, vừa, nhỏ; bao nhiêu DN từ siêu nhỏ lên nhỏ, vừa lên lớn... Và cần thiết có trung tâm (TT) hỗ trợ DN lớn bằng cách gom các TT hiện nay (như: Khuyến công, khuyến nông...) thành một để tập trung nguồn lực.

Xin cám ơn ông!

LIÊN MINH (thực hiện)