Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) được công bố định kỳ 2 lần/năm, WB kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ mở rộng với tốc độ 2,9% do tăng trưởng “đáng thất vọng” của các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn như Trung Quốc và Brazil. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn còn cao hơn mức tăng 2,4% hồi năm 2015.
Trụ sở Ngân hàng Thế giới ở Washington, Mỹ. Ảnh: AFP |
“Sự suy giảm đồng thời ở hầu hết các thị trường mới nổi lớn là mối quan ngại trong việc đạt được các mục tiêu giảm nghèo và thịnh vượng chung, bởi những quốc gia này đã có nhiều đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua”, WB cho biết.
Bên cạnh đó, những căng thẳng tài chính liên quan đến hoạt động tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tháng 12 vừa qua và những căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới cũng là những yếu tố rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, báo cáo GEP nói thêm.
Trong bối cảnh của quá trình chuyển đổi kinh tế sâu, Trung Quốc được dự báo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống còn 6,7% trong năm nay từ 6,9% hồi năm ngoái. Năm 2016, đánh dấu hoạt động kinh tế yếu nhất của Bắc Kinh kể từ năm 1990.
Từ giữa năm 2014, Trung Quốc phải đối mặt với những cơn bão tài chính. Gần đây nhất vào ngày 4/1/2016, chỉ số thị trường chứng khoán nước này lao xuống 7%.
Ngoài ra, dự báo của WB cũng hạ mức tăng trưởng của 2 nền kinh tế mới nổi khác, những thị trường đang suy thoái là: Brazil với 2,5% (giảm 3,6 điểm phần trăm), Nga ở mức 0,7% (giảm 1,4 điểm phần trăm). Cả hai nước này đều đang chịu tác động của giá các mặt hàng như dầu và sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh.
Các nước đang phát triển dự kiến tăng 4,8% trong năm nay, song vẫn giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo 6 tháng trước. Những quốc gia có thu nhập cao giữ tình trạng tốt hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ cũng hạ 1 điểm phần trăm xuống còn 2,7%.
“Tăng trưởng chậm cùng lúc của các thị trường mới nổi lớn nhất gồm Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi đang đặt ra những tác động tiềm tàng cho phần còn lại của nền kinh tế thế giới. Chính vì thế, nền kinh tế toàn cầu sẽ cần phải thích ứng một giai đoạn mới với tốc độ tăng trưởng khiêm tốn hơn ở các thị trường mới nổi lớn, bởi giá cả hàng hóa thấp hơn cùng dòng chảy thương mại và vốn suy giảm”, nhà kinh tế trưởng Kaushik Basu của WB nhấn mạnh.
Song, theo nhận định của ông Kaushik Basu, “sự kết hợp giữa chính sách tài chính và các ngân hàng trung ương có thể góp phần hữu ích trong việc giảm thiểu những rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.