Hứng thú

Ngang qua lớp 4/1, chúng tôi khá bất ngờ khi chứng kiến niềm vui của các học sinh tự tay thực hành in lên giấy những bức tranh làng Sình trong tiết “Thường thức mỹ thuật: Xem tranh dân gian Việt Nam”.

 Thầy Hùng hướng dẫn học sinh làm tranh làng Sình

Thầy Võ Văn Hùng, người trực tiếp dạy tiết học này chia sẻ, trong chương trình sách giáo khoa ở các lớp đều có bài học về tranh dân gian Việt Nam. Ngoài ra, mỗi tuần, học sinh lại có một tiết học của chương trình địa phương. Đó là thời điểm để những giáo viên trong trường giới thiệu kỹ hơn về nét đẹp văn hóa, phong tục trên quê hương Phú Mậu, nhất là tranh làng Sình, vật Sình và hoa giấy Thanh Tiên. “Với tranh làng Sình, người giảng dạy có cơ hội trực tiếp đến mượn các khuôn, giấy, nguyên liệu ở nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu cụ thể và cho các em thực hành. Điều này hấp dẫn và có sức thuyết phục hơn rất nhiều so với trường khác cũng học về tranh dân gian Việt Nam nhưng khó có điều kiện để giúp các em thử làm, mặc dù dòng tranh này xuất phát từ quê hương Thừa Thiên Huế”, thầy Hùng nói.

Cô Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mậu 1 cho biết: “Tranh làng Sình được đưa vào giảng dạy trong nhà trường theo chương trình sách giáo khoa và chương trình giáo dục địa phương đúng quy định. Các giáo viên ở trường khá tâm huyết trong vai trò truyền lửa, đam mê tranh làng Sình đến với học sinh, nhất là lớp 4-5. Các em được giáo dục học theo 5 điều Bác Hồ dạy và thực tế tình yêu quê hương, yêu văn hóa nơi mình sinh sống. Yêu tranh làng Sình ở lứa tuổi các em cũng là một biểu hiện của tình yêu Tổ quốc lớn lao”.

Quan sát học sinh in hình lên giấy, tuy dung lượng thời gian thực hành giới hạn và ai cũng muốn thử nhưng động tác các em làm chậm rãi, cẩn trọng như một sự trân quý về dòng tranh dân gian của quê hương sau lời giới thiệu của người giáo viên. Phan Tấn Tài, học sinh lớp 4/1, kể: “Khi nghe thầy nói tranh làng Sình có nguồn gốc ở quê em, em rất thích. Em thấy tranh làng mình đẹp và rất muốn học cách làm.”.

Niềm tự hào quê hương

Thầy Nguyễn Ngọc Bậc, giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học Phú Mậu 1 kể, mặc dù nhiều giáo viên mỹ thuật như thầy và thầy Hùng đều không sinh ra ở Phú Mậu, song khi giảng dạy về tranh dân gian Việt Nam, niềm tự hào được công tác trên quê hương của một dòng tranh dân gian nổi tiếng thôi thúc họ đam mê và nghiên cứu nhiều hơn về tranh làng Sình để truyền tải kiến thức cho học sinh. Thầy Bậc nhấn mạnh: “Tâm hồn của những học sinh tiểu học rất ngây thơ và dễ thương. Dựa trên những thuận lợi có sẵn, chúng tôi muốn dạy kỹ về tranh làng Sình, thổi vào suy nghĩ của các em một niềm tự hào về văn hóa của quê hương. Đây là nét văn hóa truyền thống của địa phương, mong muốn của chúng tôi là để các em hiểu sâu và quý trọng hơn dòng tranh đặc biệt này”.

Mỗi tiết học, để các em hiểu kỹ hơn, các giáo viên phải nghiên cứu, mượn dụng cụ, nguyên liệu làm tranh; vừa cầm tranh giới thiệu trực tiếp vừa trình chiếu qua phần mềm powepoint rồi hướng dẫn các em tự thực hành giúp học sinh nắm kiến thức bài sâu hơn.

Ông Kỳ Hữu Phước, người lưu giữ và làm tranh làng Sình, cho biết: “Nhiều em đến xem làm tranh và ngỏ ý muốn học. Đây là điều khiến chúng tôi phấn khởi”.

 

Lê Hữu Phúc