Hội đồng làng xã thảo luận phương án trùng tu

Nhiều đình làng có tuổi đời hàng trăm năm như đình Dương Phẩm, đình An Cựu (Tp. Huế), đình Thế Lại Thượng (Phú Vang), La Chữ (Hương Trà)… do thiếu kinh phí nên người dân đành nhìn di sản của cha ông xuống cấp, hoặc nếu có thì tu sửa chắp vá theo kiểu “hư đâu, sửa đó”. Về phía Nhà nước, với nguồn kinh phí hỗ trợ hạn hẹp và cũng ưu tiên đầu tư cho một số di tích đã được xếp hạng. Tuy nhiên, phần lớn di tích kiến trúc làng xã lại không thuộc diện này.

Ngược lại ở nhiều ngôi làng như An Gia (huyện Quảng Điền), Quy Lai, Nam Phổ Trung (huyện Phú Vang), tuy khó khăn nhiều mặt, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cùng với một phương thức hiệu quả nên dân làng đã trùng tu thành công ngôi đình, lưu giữ được di sản trăm năm của tiền nhân.

Câu chuyện người dân làng Nam Phổ Trung (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) trùng tu đình làng như một bài học hay về việc huy động các nguồn lực từ cộng đồng để bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Cuối năm 2012, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của đình làng, Hội đồng làng Nam Phổ do ông Bùi Hữu Tao quyết định trùng tu ngôi đình, không thể chờ đợi thêm. Tuy nhiên, trong lúc hầu hết dân làng đều khó khăn về kinh tế, kinh phí dự kiến lại rất lớn. Bằng nhiều sáng kiến, cuối cùng, việc phát ra những bức“Tâm thư” được Hội đồng làng thống nhất. Những bức tâm thư được gửi cho con em là người dân làng Nam Phổ Trung hiện đang làm ăn, định cư ở các tỉnh, thành phố khác trong ngoài nước. Hiệu quả từ những bức tâm thư ngoài mong đợi, hầu hết người dân làng Nam Phổ đều hồi âm kèm theo sự đóng góp đáng kể. Các nguồn tài trợ lần lượt được gửi về cho Ban Thủ quỹ Hội đồng làng Nam Phổ Trung. Sau một thời gian “thư đi tin lại”, số tiền ủng hộ đã đạt được con số gần 500 triệu đồng. Ngay sau đó, hoạt động trùng tu được tiến hành. Gia đình nào không đóng góp tiền thì tham gia trực tiếp bằng ngày công, nguyên vật liệu.

Người dân tham gia hạ giải mái ngói

Phương án trùng tu giữ lại dáng vẻ truyền thống với sự tận dụng tối đa những cấu kiện gỗ cũ được Hội đồng làng thống nhất. Kíp thợ mộc được lựa chọn là nhóm của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, cũng chính là con em của làng Nam Phổ Trung. Một ban giám sát do chính những vị lão niên có kinh nghiệm trong nghề mộc, nề được lập ra để theo dõi quá trình trùng tu.

Chỉ sau 5 tháng, công trình trùng tu đình làng Nam Phổ Trung hoàn thành trong niềm hân hoan của toàn thể người dân. Ông Trần Tịnh (thủ quỹ) vui sướng thông báo: “Công trình được trùng tu đảm bảo chất lượng, thực chi là 471 triệu so với tổng số kinh phí đóng góp là 475.512.000 đồng. Còn xây dựng trụ biểu nữa, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục vận động trong giai đoạn 2”. Cũng với phương thức như trên, đầu năm 2013, công trình trụ biểu được xây dựng, hoàn tất công việc trùng tu tổng thể đình làng Nam Phổ Trung một cách thành công.

Qua việc trùng tu đình làng Nam Phổ Trung, có thể thấy vai trò của cộng đồng là rất lớn nếu biết phát huy đúng cách, đúng lúc. Thay vì chờ đợi nguồn kinh phí có hạn từ phía Nhà nước, người dân cần chủ động, linh hoạt huy động các nguồn lực để bảo vệ di sản của cộng đồng. Xu thế xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ, trùng tu di tích đang ngày một trở nên đúng hướng, được đông đảo người dân hưởng ứng, đặc biệt là những di tích tín ngưỡng cộng đồng. Tuy nhiên, đối với những di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật làng xã được công nhận Di tích cấp Quốc gia thì cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa vai trò chủ đạo của người dân và các cấp quản lý, các tổ chức thực hiện việc trùng tu nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống trong hoạt động bảo vệ, trùng tu, tránh làm biến dạng, mới hóa di tích.

Bài, ảnh: Nguyễn Long