Hôm đó trời đột ngột đổ mưa, phải vào quán ven đường, T.V.T (trú tại bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) gặp Đ.T.H (sinh 10/2001, trên đường tới trường học) cũng đứng trú mưa. T chủ động hỏi, có quá giang không T cho đi nhờ? Cô bé đồng ý. Đi được một lúc, T bỗng nảy sinh tà ý, bèn chở H vào bến sông vắng giở trò đồi bại. T bị TAND huyện Phong Điền xử 7 năm 6 tháng tù về tội “hiếp dâm trẻ em”. T cho rằng án nặng, kháng cáo xin giảm hình phạt. Lúc phạm tội, bị cáo 17 tuổi 11 tháng, nên mẹ là đại diện theo pháp luật. Mẹ bị cáo cũng kháng cáo yêu cầu được giám định tâm thần cho cho con. Theo người mẹ, T có tiền sử bệnh động kinh, tâm thần không bình thường, không làm chủ được hành vi. Đến phiên tòa phúc thẩm, mẹ bị cáo “bới xách” cho con 2 gói xôi bắp. Chị ngậm ngùi bảo nghèo quá, chỉ “ráng” đến vậy. Cái nghèo cái khổ đã “theo” chị và đứa con trai mười mấy năm nay. Năm 19 tuổi yêu đương rồi lỡ có thai. Bạn trai “cao chạy xa bay”, chị ngậm ngùi sinh con, nuôi con một mình, ở vậy đến giờ. Cha mẹ chị nghèo, lại đông con, không có đất nên chị ra bìa rừng cắm đại túp lều nhỏ trên đất người ta, hai mẹ con có chỗ trú mưa trú nắng. Người ta đuổi, mẹ con lại nhổ lều đến cắm chỗ khác. Cứ vậy mỗi năm “nhổ lều” 3, 4 lượt. Không điện. Có cây đèn dầu tù mù cũng mừng rồi. Hôm hết tiền, dầu cũng chẳng có mà thắp.   

Mẹ bị cáo khai trước tòa, năm 2 tuổi, T bị co giật sau một cơn sốt nặng, đến nỗi đầu móp lại. T được đưa đến chữa trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Bác sĩ bảo T bị giật kinh phong. Thời gian sau này bệnh không tái phát, nhưng T ngờ nghệch, không được như người bình thường. Cũng vì điều đó mà T học đến lớp 7 thì không học được nữa, phải bỏ. Ai thuê gì làm nấy. Đưa tiền công 5 nghìn, 10 nghìn đồng vẫn vui vẻ làm. Tuy vậy, T là chỗ tựa của mẹ. Chị vốn hay đau ốm bệnh tật. Mỗi lúc như vậy, mẹ con rau cháo qua ngày nhờ vào 50-70 nghìn đồng T chịu khó đi làm thuê kiếm được. Ai ngờ...

Tòa hỏi: “Bà kháng cáo cho rằng con bà có triệu chứng tâm thần nên không làm chủ được hành vi, bà có chứng cứ không?”. Mẹ bị cáo tần ngần: “Dạ không, năm đó lụt lớn, sập nhà, nên bệnh án của con tui mất hết”. Sau khi nghị án, cấp phúc thẩm nhận định không có căn cứ để tiến hành giám định tâm thần đối với bị cáo. Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội. Tại phiên tòa phúc thẩm. bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới..., nên Hội đồng xét xử tuyên y án 7 năm 6 tháng tù. Mẹ bị cáo thất thần nhìn theo con bị đưa lên “xe tù” về lại trại  giam. Với chị, đường về nhà dường như mệt nhọc hơn rất nhiều. “Nhà” của mẹ con bị cáo là căn chòi tạm, một mình trên núi. Tường là phên tre và những tấm bạt thủng lỗ chỗ. Một vài vật dụng rỉ rét, được “gom” từ hàng phế liệu. Ngồi bệt ngay mép cửa chòi, người mẹ thẫn thờ bảo, cả hai mẹ con đều đau ốm bệnh tật, ráng làm thuê làm mướn mà vẫn nghèo cùng nghèo cực. Có đứa con trai, chị vẫn còn chỗ mà dựa. Nó đi tù 7 năm 6 tháng, vị chi chị phải vò võ đợi con 2.700 ngày. Lúc đau, lúc ốm biết làm sao....

Nhưng đứa con trai ấy đã gây hại nghiêm trọng cho người khác, cho xã hội, phải bị xét xử nghiêm. Khai tại phiên tòa, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng bị cáo vẫn thực hiện đến cùng. Khi bị bắt vào trại tạm giam bị cáo rất sợ và ân hận. Giá như trước khi nảy sinh tà ý, bị cáo biết “sợ”, không gây còn dám làm điều xấu, thì đâu đến nỗi phải trả cái giá “đắt” như vậy. Để người mẹ nghèo, bệnh tật khổ rồi còn khổ thêm.

Quỳnh Anh