Kỳ công

Ghé thăm chùa Ưu Đàm, làng Ưu Điềm, chúng tôi ấn tượng trước những bông hoa vải đầy sắc màu do ông Trần Lý Thố, người giữ chùa làm ra. Nhìn ông cặm cụi bên những thanh thép, mảnh vải lụa để làm những cánh hoa ly mới thấy được sự tài hoa, khéo tay và niềm đam mê nghệ thuật của ông.

Ông Thố cặm cụi làm những bông hoa ly bằng vải lụa

Đến với nghề làm hoa vải lụa cách đây 3 năm, dù không qua trường lớp đào tạo nào, ông Thố đã làm nên những bông hoa vải lụa trông bắt mắt. Mỗi loại hoa, với nhiều kích cỡ được ông làm bằng nhiều cách riêng biệt.

Để làm những cánh hoa mỏng manh, đều và tinh xảo, ông phải bỏ ra nhiều công sức và sự kỳ công tỉ mỉ. Trước hết phải uốn cong những thanh thép để tạo hình những chiếc lá, cánh hoa. Sau khi hoàn thành công đoạn tạo hình, ông dùng kéo cắt từng mảnh vải lụa, khoác lên những chiếc lá, cánh hoa thép và cố định lại. Sau đó, ông ghép những cánh hoa lại với nhau tạo thành một bông hoa hoàn chỉnh.

Khác với các loại hoa vải có trên thị trường, hoa vải lụa của ông Thố có sự khác biệt, ở giữa mỗi bông hoa sẽ được gắn một chiếc đèn nháy nhỏ. Để những bóng đèn không bị cháy do công suất điện quá lớn, ông đã tự sáng chế thêm bộ cảm biến điện để hạ công suất xuống mức nhỏ nhất.

Ông Thố thổ lộ: “Để làm được những bông hoa hoàn chỉnh, phải chú tâm vào từng công đoạn, sơ suất một chút là hoa biến dạng không như ý. Ông rất chú trọng vào kiểu cách của hoa, phải ghép các bông hoa lại với nhau tạo thành bình hoa bắt mắt và mang tính thẩm mỹ cao”. Trung bình 5 ngày ông hoàn thành được một cặp bình hoa vải lụa giao cho người đặt.

Theo ông Thố, những bông hoa được trang bị thêm bóng đèn giúp cho hoa thêm đẹp và cuốn hút trong đêm hơn. Đó là sự khác biệt mà các loại hoa vải khác trên thị trường không có.

Người dân ưa chuộng

Gần 3 năm nay, hoa vải lụa của ông Thố trở thành một sản được nhiều người dân ở xã Phong Hòa lựa chọn trang trí cho ngày Tết bên cạnh các loại hoa truyền thống. Không chỉ phục vụ cho người dân trong xã, hoa vải lụa ông Thố còn được nhiều người dân ở Quảng Trị, TP Huế biết và tìm đến đặt hàng.

Vừa mua cặp bình hoa sen hồng bằng vải lụa về trang trí bàn thờ gia tiên trong dịp Tết sắp tới, anh Lê Văn Hải, ở TP Huế cho biết, “cơ duyên” anh mua được sản phẩm là do về nhà người bạn ở làng Ưu Điềm chơi. Đang ngồi uống trà, anh thấy cặp bình cắm hoa bằng vải lụa trang trí bàn thờ Phật ở nhà bạn đẹp quá nên dò hỏi. Khi biết những bình cắm hoa vải lụa tinh tế và đa sắc màu như thật do chú Thố làm ra, ngay lập tức anh nhờ người bạn dẫn đến chùa Ưu Đàm và đặt một cặp bình cắm hoa sen hồng với giá 500.000 ngàn đồng.

Anh Hải chia sẻ: “Hoa vải lụa của ông Thố làm ra có sự tinh tế, đẹp hơn những loại hoa vải có mặt trên thị trường. Hệ thống đèn nháy làm cho bông hoa thêm đẹp mắt, tinh tế như hoa thật. Chính vì lẽ đó, dù đường xa vận chuyển khó khăn, anh vẫn cất công về mang hoa lên sau 5 ngày đặt hàng”.

Ông Thố kể, ông ở và giữ chùa Ưu Đàm đã nhiều năm, trước đây ông làm hoa vải lụa chỉ để trang trí trên bàn Phật ở chùa. Phật tử trong làng đến chùa thấy những bông hoa vải lụa đẹp, lạ mắt nên đặt ông làm để về trang trí bàn thờ gia tiên. Tiếng lành cứ đồn xa, hoa vải lụa ông thành một sản phẩm hoa Tết nhiều người ưa chuộng. Ngày nào cũng có người ở xa đến chùa đặt ông làm bình hoa vải lụa.

Bình quân mỗi cặp hoa vải lụa, ông Thố bán với giá 500 ngàn đồng, trừ chi phí mua vật liệu, bình hoa và công sức bỏ trong 5 ngày lợi nhuận không bao nhiêu. Song, nghề làm hoa vải lụa đã mang lại cho ông Thố nhiều thứ, đặc biệt là tình yêu sáng tạo các loại hoa.

Bài, ảnh: Võ Ngọc Thạnh