Cảnh sát Đức làm nhiệm vụ tại thành phố Aachen trên biên giới Đức-Bỉ. Ảnh: Reuters |
“Khoảng 70% tổng ngoại thương của Đức nằm ở châu Âu, nhất là các nước thuộc khu vực đồng euro. Trong đó, chi phí vận tải đường bộ quốc tế sẽ tăng thêm khoảng 3 tỷ euro (tương đương 3,27 tỷ USD) do việc khôi phục kiểm soát trên biên giới trong vùng Schengen”, ông Anton Boerner, người đứng đầu Liên đoàn thương mại Đức BGA trả lời phỏng vấn trên tờ báo Tagesspiegel.
Chủ tịch Tập đoàn bán lẻ HDE Stefan Genth cho biết, việc kiểm tra sẽ tác động nghiêm trọng đến vận chuyển hàng hoá trên toàn châu Âu do sự chậm trễ tại các biên giới.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang bị chia rẽ về việc xử lý dòng người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói ở Trung Đông và Bắc Phi. Đáng chú ý, Đức tiếp nhận đến 1,1 triệu người hồi năm ngoái.
Do không đồng ý về các biện pháp chung để xử lý cuộc khủng hoảng này, khu vực Schengen với 26 thành viên châu Âu đang “trên bờ vực sụp đổ”.
Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt ngày 18/1 kêu gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn, với lập luận Berlin phải hành động một mình nếu không thể đạt được thỏa thuận về người tị nạn với toàn châu Âu.
Tuy nhiên, bà Merkel không đồng ý biện pháp đóng cửa biên giới, đồng thời cố gắng thuyết phục các nước châu Âu khác tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch, thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm tiếp nhận trên biên giới bên ngoài châu Âu và khởi động chiến dịch thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ giữ chân người tị nạn nhập cảnh vào EU.
Hôm qua (19/1), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, châu Âu không có nhiều hơn 2 tháng nữa để kiểm soát cuộc khủng hoảng người tị nạn và ngăn chặn sự sụp đổ của khu vực miễn thị thực của liên minh.
Được biết, ngoại thương Đức đóng góp 0,2% tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong năm qua.