Đoàn sứ thần nhà Nguyễn ở Pháp. Ảnh chụp tại Paris 1863

Ở Huế, thời chế độ cũ xuất hiện rất nhiều hiệu ảnh. Khu vực đặc biệt nhất là đường Thượng Tứ có rất nhiều hiệu ảnh hoạt động náo nhiệt. Thời này, các hiệu ảnh gọi là tiệm chụp hình hay tiệm chụp ảnh đặt trước tên hiệu mình. Các hiệu ảnh đó là: Tiệm chụp hình Tăng Vinh, tiệm chụp ảnh Ngọc Châu, tiệm chụp hình Phi Phước, tiệm chụp hình Phi Long (bao gồm vẽ chân dung), tiệm chụp hình Tôn Thất Dung, nữ họa sĩ và chụp hình Maria Mộng Hoa và hiệu ảnh Đông Nam. Trong đó, đặc biệt có ba hiệu ảnh của  ba 3 anh em ruột là Phi Hổ, Phi Long và Mộng Hoa đều có có mặt trên đường này. Hiệu ảnh Tôn Thất Dung nổi bật với việc chuyên khai thác chân dung các em bé đủ kiểu: khóc, cười, mếu, bò, lật, đứng, ngồi...rất ngộ nghĩnh.

Tác giả Quế Chi Hồ Đăng Định trong “Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ quên quên” hồi tưởng rất dí dỏm: “vị chi là 7 tiệm cùng hành nghề trên một đoạn đường ngắn …như cái lỗ mũi. Rứa mà ai cũng sống, ai cũng có khách , thậm chí có tiệm dẹp rồi thì người khác đến cũng lại mở tiệm chụp hình”.

Sự kế thừa kiểu phường hội nhiếp ảnh được duy trì khi có hiệu ảnh khác đóng cửa thì người nối tiếp cũng mở lại hiệu ảnh. Chẳng hạn như hiệu ảnh Tôn Thất Dung đóng cửa thì hiệu ảnh Ái Mỹ thay thế, hiệu ảnh Phi Long về Trần Hưng Đạo thì hiệu ảnh Gi Na thế chỗ. Các hiệu ảnh làm ăn rất phát đạt, nhiều chủ hiệu trở nên giàu có nhờ nghề. Điển hình như vợ chồng ông Thảo, vốn là học trò của chủ hiệu Tôn Thất Dung, sau mở hiệu Gi Na, “hốt bạc” nhiều đến nỗi “Tết Mậu Thân (1968) phải dồn vô mấy bao bố gạo 100 kí, rồi thuê người gánh chạy qua cầu Trường Tiền, tới trường Kiểu Mẫu” (theo Quế Chi Hồ Đăng Định).

Muộn hơn đường Thượng Tứ là các hiệu ảnh ở đường Trần Hưng Đạo. Đầu tiên là chủ hiệu Phi Long về mua nhà ở gần cầu Trường Tiền mở lại tiệm chụp hình và vẽ chân dung trên đường này. Sau có nhiều nhà chụp hình nổi tiếng như Lê Quang, Tuyết Anh, La Cảnh Lưu, MiLy... tiếp tục khai trương và làm ăn rất bền vững. Hiệu ảnh Lê Quang ở đường Trần Hưng Đạo được biết đến là hiệu ảnh nổi tiếng vào bậc nhất tại Huế những năm 1970.  Ở chợ Bến Ngự có hiệu ảnh Mỹ Vân, chủ hiệu là ông Tin, dường như trùm về ảnh bên bờ nam.

Bức ảnh của họa sĩ Đặng Mậu Triết và mẹ chụp tại tiệm La Cảnh Lưu cách đây nửa thế kỷ

Sau Hiệp định Genève, một đôi vợ chồng người Huế là ông Lâm Bình và bà Trần Thị Hiền được sự phân công của tổ chức hoạt động bí mật nhằm đối phó với tình hình lúc bấy giờ. Họ bám trụ ở vùng giới tuyến ác liệt gần 20 năm dưới vỏ bọc chủ hiệu ảnh mang tên Thanh Bình. Hai vợ chồng dựng nhà tranh, vách đất để mở hiệu ảnh, dùng máy Rolay, Pentak. “Hiệu ảnh điệp báo” này đã cung cấp thông tin cho lực lượng an ninh bên ta về tình hình giới tuyến. Sau này, hiệu ảnh này còn là nơi nhiều chiến sĩ nhờ gửi ảnh chân dung về cho gia đình trước khi lên đường vào Nam chiến đấu.

Sau năm 1975, một hiệu ảnh của Nhà nước được mở trên đường Trần Hưng Đạo, góp mặt với hàng chục hiệu ảnh đang hoạt động trên thành phố Huế. Với công nghệ thời này, ảnh muốn in phải làm trong buồng tối, pha thuốc, rọi rồi nhúng từng cái phim vào. Chờ ảnh hiện lên, tráng qua tráng về, khi rõ nét lại nhúng vào thuốc “hãm”, sau cùng  mới đưa ra sấy dưới ngọn đèn điện 500W.

Ngày nay, các hiệu ảnh mọc lên như nấm ở các trục đường chính như Hùng Vương, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo... Công việc làm ảnh ngày càng hiện đại, có máy kĩ thuật số tha hồ bấm, lại có phần mềm photoshop chỉnh sửa ảnh theo nhu cầu người chụp. Người dân Huế cũng tự mua máy ảnh chụp ở nhà, không cần phải ra tiệm. Ngoài Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, còn có hàng chục câu lạc bộ nhiếp ảnh của những người Huế yêu bộ môn nghệ thuật này. Những tay máy tỏa khắp tỉnh thành, ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống ở vùng đất Cố đô.

Bài, ảnh: LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG