Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã phỏng vấn GS.TS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Việt Nam, thành viên Hội Tăng huyết áp Thế giới (ISH), Phó Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế.
 
Thưa GS, nhiều người vẫn quan niệm rằng, bệnh THA chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi chứ không có ở trẻ em, vậy ý kiến của GS về vấn đề này?  
 
GS.TS. Huỳnh Văn Minh
THA ở trẻ em là 1 trong những bệnh lý tim mạch được quan tâm nhiều ở trẻ em và được xác định là yếu tố nguy cơ cho THA và các bệnh lý tim mạch khác khi trưởng thành. Tình trạng béo phì và lối sống thụ động ngày càng phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên đã làm cho tần suất phát hiện THA ở trẻ em được ghi nhận nhiều hơn. Tần suất THA ở trẻ em được ghi nhận qua những nghiên cứu khác nhau từ 0.8% đến 5%.
 
Làm sao để biết được bệnh THA ở trẻ em?
 
Trước tiên, cần thực hiện đo HA ở trẻ em. Vì tần suất THA ở trẻ em không nhiều như người lớn và việc đo HA không dễ dàng thực hiện, nếu trẻ không hợp tác nên đo HA không bắt buộc thực hiện ở tất cả trẻ đến khám. Tuy nhiên, theo khuyến cáo hiện tại đối với trẻ trên 3 tuổi nên được đo HA khi thăm khám, ít nhất 1 lần trong những lần khám sức khoẻ.Đối với trẻ dưới 3 tuổi, chỉ đo HA trong một số trường hợp đặc biệt.
 
Xin GS cho biết các yếu tố nguy cơ THA nguyên phát ở trẻ em?
 
Tiền sử gia đình là 1 yếu tố quan trọng trong THA nguyên phát ở trẻ em cần được hỏi và đánh giá kỹ. Các nghiên cứu trên số lượng lớn trẻ em ghi nhận tiền sử gia đình xảy ra khoảng 32%-50% các trường hợp THA. Nếu cả cha lẫn mẹ đều có bệnh tim mạch, nguy cơ THA và rối loạn lipid máu của trẻ sẽ cao hơn nhiều.
 
Trẻ bị THA nguyên phát thường là trẻ béo phì. Béo phì xảy ra khoảng 35-50% các trường hợp THA ở thanh thiếu niên và là 1 trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra và kéo dài trong THA nguyên phát ở trẻ em. Mối liên quan giữa THA và béo phì được xác nhận xảy ra rất sớm, từ khi trẻ khoảng 5 tuổi.
 
Tình trạng béo phì và lối sống thụ động cũng làm trẻ dễ bị huyết áp - ảnh minh họa
 
Những thanh thiếu niên nhạy cảm với muối và có tiền sử gia đình THA sẽ có đáp ứng gây HA tăng cao hơn so với những trẻ không nhạy cảm với muối hoặc có tiền sử gia đình không THA khi đo HA liên tục trong 24 giờ. Lượng Kali ăn vào cũng ảnh hưởng đến HA. Một nghiên cứu trong 7 năm ở Hà Lan cho thấy những trẻ ăn chế độ ăn nhiều muối Kali sẽ có tốc độ tăng HA chậm hơn so với trẻ có chế độ ăn ít muối Kali hơn.
 
Sau hết, các kết quả khảo sát cũng cho thấy rối loạn giấc ngủ có liên quan đến THA ở trẻ em. Khi thực hiện khám bệnh, bác sĩ cần hỏi kỹ về tiền sử bị rối loạn giấc ngủ ở trẻ THA, đặc biệt khi trẻ có béo phì.
 
Xin GS cho biết một số biện pháp điều trị THA trẻ em?
 
Các liệu pháp điều trị bao gồm những liệu pháp không dùng thuốc như thay đổi lối sống, vận động, giảm cân, giảm stress và liệu pháp dùng thuốc để điều chỉnh HA.
 
 
Duy trì cân nặng bình thường sẽ làm giảm được nguy cơ bị THA khi trưởng thành. Các nghiên cứu cho thấy, nếu làm giảm 10% BMI, HA sẽ giảm trung bình từ 8-12mmHg.
 
Bệnh nhân không nên duy trì nếp sống ít vận động như ngồi xem tivi hoặc chơi game quá 2 giờ/ ngày. Hạn chế các trò chơi mang tính cạnh tranh cho trẻ THA giai đoạn 2 chưa kiểm soát được.
 
Các bằng chứng hiện tại ủng hộ mạnh cho mối liên quan giữa chế độ ăn hạn chế muối và giảm HA của trẻ em. Sự hỗ trợ của gia đình là rất cần thiết cho việc tập luyện thể lực đều đặn và thực hiện chế độ ăn, giảm cân trong thời gian dài. Chỉ dùng thuốc hạ HA ở trẻ em khi có chỉ định.
 
Xin cám ơn Giáo sư.
Đinh Hoàng Xuân Hồng (thực hiện)