Tuy nhiên, nếu nhìn lại thật kỹ thì thể thao Huế chỉ có sự thay đổi về lượng chứ chưa có sự thăng tiến về chất. Bằng chứng là các VĐV của Huế gần như vắng bóng ở đấu trường quốc tế chứ chưa nói đến chuyện giành huy chương. Hai môn thể thao nhiều năm qua được xem là mũi nhọn là karatedo và cờ vua. Nhưng từ sau khi Hà Kiều Trang rời thảm đấu và sau đó bỏ luôn cả nghiệp võ để làm nghề giáo thì karatedo Huế cũng thoái trào. Còn bây giờ, các võ sĩ karatedo Huế không tỏ ra chiếm ưu thế trong các giải quốc gia, đó là một điều đáng suy ngẫm.

Hiện cờ vua Huế đang làm lại với lứa VĐV rất trẻ. Ảnh: Võ Nhân

Cũng như Karatedo, cờ vua từng là niềm tự hào lớn của thể thao Cố đô. Mở đầu bằng thành công của nữ kỳ thủ Nguyễn Thị Thuận Hóa với chức vô địch quốc gia đầu những năm 90 thế kỷ trước và sau đó là chiếc HCV sinh viên các nước ASEAN. Cờ vua Huế tiếp tục sản sinh ra những tài năng cho quốc gia như Nguyễn Thanh Sơn, Hoàng Bảo Trâm, Hoàng Xuân Thanh Khiết, Võ Thị Kim Phụng, Hoàng Thị Như Ý…

Với tài năng huấn luyện của HLV Bảo Tài cùng HLV Nguyễn Thị Thuận Hóa, các kỳ thủ của Huế đạt nhiều huy chương các loại tại các giải thế giới, châu Á và Đông Nam Á. Nổi bật là chiếc HCV U20 châu Á của Nguyễn Thanh Sơn hay chiếc HCĐ U10 thế giới của Hoàng Bảo Trâm. Hay một kỳ thủ trẻ như Hoàng Thị Như Ý, năm nay mới bước qua tuổi 23 cũng đã sở hữu trên 100 huy chương từ các giải đấu trong nước, khu vực và thế giới. Trong đó có hơn 30 huy chương vàng và bạc tại các giải cờ vua trẻ Đông Nam Á từ năm 2003 đến nay.

Thật đáng tiếc khi các tài năng cờ vua của Huế lần lượt dứt áo ra đi tìm môi trường tốt hơn hoặc bỏ luôn nghiệp cờ. Nguyễn Thanh Sơn đã vào TP Hồ Chí Minh và chuyển sang làm huấn luyện viên. Trước khi ra đi, Nguyễn Thanh Sơn tâm sự: “Em rất biết ơn thầy Tuấn, thầy Tài đã dạy dỗ, đào tạo em trở thành một kiện tướng quốc tế. Tuy nhiên, tuổi đã lớn, cần phải có thu nhập ổn định để giúp đỡ gia đình nên em quyết định vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp…”.

Tiếp sau Nguyễn Thanh Sơn, Hoàng Xuân Thanh Khiết bỏ hẳn sự nghiệp thi đấu để chọn một nghề khác. Hoàng Bảo Trâm đầu quân cho Hà Nội. Như Ý, Kim Phụng đầu quân cho Bắc Giang, Bình Dương… Sự ra đi hàng loạt của các kỳ thủ khiến cho môn thể thao thế mạnh của Huế trở nên yếu hẳn. Thỉnh thoảng, vẫn bắt gặp thông tin về thành tích của những cái tên quen thân như Bảo Trâm, Như Ý, nhưng bây giờ đã là người của “người ta”.

Trong một lần tâm sự, HLV Bảo Tài buồn rầu: “Huế là mảnh đất sản sinh ra nhiều tài năng của môn thể thao trí tuệ này. Tuy nhiên để đào tạo các em trở thành những kỳ thủ đẳng cấp thì cần một quá trình dài và khoa học. Chúng tôi cũng đang tiếp tục tìm kiếm, đào tạo một số kỳ thủ có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, thế hệ của Thanh Sơn, Bảo Trâm hay liền sau đó là Như Ý, Kim Phụng đã là “thế hệ vàng” của cờ vua Huế, nên rất khó để có một lứa VĐV xuất sắc như vậy sau này…”.

Hiện, cờ vua Huế có lực, có tâm nhưng lại thiếu tiền… điều này khiến từ một trung tâm mạnh của cả nước lại phải xây dựng lại từ đầu và không biết bao giờ mới tìm lại vị thế của mình trên các đấu trường khu vực hay quốc tế như ngày nào…

THANH PHI