Tác phẩm Sắp đặt video art “Sóng” của sinh viên Châu Thị Cẩm Tiên. Ảnh: Nam Giao

Là ngành học được đưa vào chương trình đào tạo chính thức từ năm 2013, sau một thời gian dài xây dựng và hoàn thiện hệ thống chương trình dưới sự hỗ trợ của chương trình giáo dục đại học 2 của Đại học Huế. Có thể nói, chương trình đào tạo của chuyên ngành Tạo hình đa phương tiện là sự tổng hòa các chương trình của Đại học Umea (Thụy Điển), Đại học Indiana (Mỹ) và Đại học New South Wales (Úc). Năm học 2015 – 2016 là năm học đầu tiên có sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này. Đây cũng là niềm tự hào của nhà trường trong sự phát triển chung về lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghệ thuật tại cơ sở. Sự khởi đầu bao giờ cũng là một chặng đường khó khăn, tuy nhiên bằng sự cố gắng và nỗ lực của thầy và trò trong các hoạt động dạy và học đã bước đầu đem lại những thành công nhất định. Các tác phẩm bài học chuyên môn của chuyên ngành này được sự đón nhận không chỉ với sinh viên, công chúng tại Huế mà còn ở các khu vực trong nước thông qua các hoạt động giao lưu triển lãm. Gần đây nhất, bài thi học kỳ môn video art mang tên “Ô cửa” của sinh viên Phan Đình Khánh được trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, một số bài học khác cũng đã có mặt tại các triển lãm khu vực trong cả nước đã đánh dấu những bước tiến mới trong học tập và sáng tác của sinh viên chuyên ngành Tạo hình đa phương tiện tại khoa Hội họa – Trường đại học Nghệ thuật Huế.

Tác phẩm Sắp đặt “Giấc mơ”của sinh viên Bùi Thị Diễm Chi. Ảnh: Nam Giao

Khám phá và thể nghiệm

Với hình thức sắp đặt – video art, tác phẩm “Sóng” của sinh viên Châu Thị Cẩm Tiên đề cập đến vấn đề sạt lở do hậu quả của việc mực nước biển dâng cao, đây là tác phẩm bắt nguồn cảm hứng trong thời gian khảo sát thực tế tại biển Thuận An (Thừa Thiên Huế). Hình tượng được Tiên khai thác là chiếc đồng hồ cát đang phủ lấp dần nhà cửa, là những mô hình đã được tác giả tái hiện khá công phu và kỹ lưỡng. Tác phẩm của Tiên là một sự chuyển dịch của thời gian với 5 chiếc đồng hồ cát với kích cỡ khác nhau cho thấy vấn đề biến đổi khí hậu càng ngày càng nghiêm trọng hơn theo tỉ lệ thuận của thời gian. Tác phẩm được thực hiện trên nền video do tác giả quay tại khu vực các căn nhà gần kề với bờ biển, âm thanh sóng nước cũng thu trực tiếp tại bờ biển này. Kết thúc tác phẩm toàn bộ căn nhà đã bị chôn vùi trong cát, đây là một hệ lụy mà Tiên muốn cảnh báo đến mọi người và cũng là một lời kêu gọi con người hãy giữ gìn và bảo vệ môi trường sống.

Hội đồng đánh giá tác phẩm sắp đặt “Vươn lên” của sinh viên Lê Trung Nghĩa. Ảnh: Đình Khánh

 

Tác phẩm sắp đặt “Vươn lên” bằng chất liệu mây tre đan của sinh viên Lê Trung Nghĩa đã khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của của cây cối trong thiên nhiên với đường nét uốn lượn, khúc khủyu cùng với những vết sần sùi, rêu phong của thời gian. Đây là đề tài mà Nghĩa đã theo đuổi từ lúc còn là sinh viên năm thứ 4 và được trưng bày trong không gian hẹp của căn phòng, tuy nhiên ở lần trình bày này, Nghĩa đã thể nghiệm với sự tương tác không gian ngoài trời với tác động của các yếu tố tự nhiên như ánh sáng, gió và các đồ vật xung quanh.

Đề cập đến “Sự chờ đợi” là tên tác phẩm của sinh viên Võ Thị Kim Thoa khi khai thác về đối tượng nhân vật là những bà mẹ trong khoảnh khắc hạnh phúc khi mong đợi đứa con của mình chào đời. Để tiếp cận đề tài này, Thoa đã phải rất vất vả để tiếp cận và xin những tờ giấy siêu âm thai nhi của những bà mẹ tại bệnh viện. Để rồi từ đó, Thoa đã tái hiện qua 38 khuôn hình mà Thoa giải thích rằng là khoảnh khắc của 38 tuần thai nhi được gói gọn trong những khuôn hình. Kết nối với những khung hình này là một video từ một đoạn siêu âm thai nhi trong bụng mẹ. Đây là một trong những đề tài khó và sẽ rất dễ thất bại nếu Thoa không nhận được sự hợp tác từ các nhân vật này. Tuy nhiên vượt qua những rào cản đó, Thoa mang đến một cảm giác thật thú vị cho người xem khi thưởng lãm tác phẩm.

Tác phẩm “Sự chờ đợi” của sinh viên Võ Thị Kim Thoa. Ảnh: Nam Giao

... Tuy chỉ mới là những thể nghiệm của bài học thực hành nhưng hầu hết các sáng tác của sinh viên chuyên ngành Tạo hình Đa phương tiện tại khoa Hội họa Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã có bước biến chuyển khá mạnh mẽ và tạo được ấn tượng sâu sắc đối với tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên trong nhà trường. Đa phần những đề tài của sinh viên đều có hướng tiếp cận mới mẻ thông qua nhiều hình thức thể nghiệm mới, đây là điều cần thiết trong việc tiếp cận với thể loại nghệ thuật đương đại. Dẫu vẫn còn đâu đó những hạt cát, hạt sạn nhưng hãy tin rằng trong tương lai, những sinh viên này sẽ là những lớp nghệ sĩ kế cận và với sự cố gắng và nỗ lực của bản thân thì các em sẽ còn đi xa hơn không chỉ dừng lại trong môi trường nghệ thuật đương đại Việt Nam mà còn vươn xa trên trường quốc tế.

PHAN LÊ CHUNG