Trong quá trình vận động, UBND tỉnh vào cuộc cùng với Đại học Huế. Tỉnh cũng cam kết với Chính phủ và Bộ sẵn sàng hỗ trợ mọi thứ để xây dựng TT Quốc gia về CNSH miền Trung tại Đại học Huế. Đó là sự gặp nhau giữa nhu cầu thực tiễn của địa phương và nguồn nhân lực sẵn có của Đại học Huế, đáp ứng được tiêu chí lựa chọn nơi đặt TT CNSH miền Trung của Bộ Khoa học Công nghệ, các bộ, ban, ngành và Chính phủ. Chính vì thế Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới các viện, TT nghiên cứu và phòng thí nghiệm về CNSH đến năm 2025 đã chọn Đại học Huế để xây dựng TT Quốc gia về CNSH miền Trung.

TT Quốc gia về CNSH miền Trung có nhiệm vụ: nghiên cứu cơ bản về khoa học sự sống; nghiên cứu ứng dụng công nghệ nền về CNSH trong y dược, sinh học biển, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến và môi trường; phân tích, thử nghiệm và đánh giá an toàn sinh học về GMO, sản phẩm hàng hóa từ GMO; tham gia đào tạo cán bộ khoa học công nghệ (đại học, sau đại học, đào tạo lại về CNSH).

Việc được chọn xây dựng TT Quốc gia về CNSH miền Trung có ý nghĩa thế nào đối với Đại học Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung?

PGS.TS.Nguyễn Quang Linh

Vai trò của Đại học Huế trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu của cả nước được nâng cao, nhất là trong lĩnh vực CNSH. Bên cạnh đó là sự khẳng định Đại học Huế có thể đảm nhận được TT CNSH về các lĩnh vực ứng dụng cũng như công nghệ nguồn mang tính đặc thù. Đây là cơ hội rất lớn cho Đại học Huế để tổ chức các diễn đàn CNSH chung của toàn quốc, trước mắt là cho miền Trung, Tây Nguyên và thu hút được nguồn nhân lực, ý kiến đóng góp, sự tham gia về mặt khoa học trong lĩnh vực CNSH của các trường đại học lớn trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Chúng ta có lợi thế lớn về nguồn nhân lực nhưng đây có lẽ mới là điều kiện cần. Theo ông, đâu là những điều kiện đủ để Đại học Huế xây dựng TT CNSH miền Trung xứng tầm quốc gia?

Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định. Tuy nhiên, để tập trung nguồn nhân lực của Đại học Huế lại một nơi rất khó. Vì thế, nếu có sự tham gia tích cực của các trường và sự đồng thuận tất cả các cấp trong Đại học Huế thì sẽ triển khai tốt hơn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của chúng ta ở dạng tiềm năng là chính. Cũng có những nghiên cứu đã hoàn thành và công bố nhưng những kết quả nghiên cứu ấy vẫn chưa thực sự gắn kết và tạo ra công nghiệp về CNSH. Đại học Huế cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất để tiến hành xây dựng TT kể cả mặt tài chính. Tuy nhiên, những khó khăn này có thể khắc phục được nếu có sự hỗ trợ tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh cùng với Đại học Huế để sớm xây dựng đề án tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong khoảng quý II năm 2016. 

Trước nhiều thách thức, Đại học Huế đã có những bước chuẩn bị như thế nào?

Khi chưa có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Đại học Huế đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo địa phương (thuộc Đại học Huế) trong đó có đại diện của UBND tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ tham gia, và Ban kỹ thuật, Ban chuyên môn để sớm có ý tưởng hình thành đề án theo chủ trương của Chính phủ. Hiện chúng tôi đã triển khai lấy thông tin và tham vấn thông tin từ các trường đại học trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên lấy cơ sở căn cứ tốt nhất xây dựng đề án sớm nhất. Đại học Huế đã chủ động thông tin đầu vào cũng như các bước để đệ trình đề án này và cũng tham vấn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh cách triển khai sớm có kết quả và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng TT Quốc gia về CNSH miền Trung. Kỳ vọng của ông về TT này trong vài năm tới?

Đây là một dự án dài hơi vì là dự án mức A với mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Do vậy chúng tôi chia ra làm 2 giai đoạn: từ 2016-2020 và 2021-2025. Từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, hình thành nên một TT CNSH tầm cỡ quốc gia. Dự kiến theo chủ trương của UBND tỉnh thì sẽ cấp 20 ha đất phía tây nam TP Huế để xây dựng TT tại đó. Sau đó, dần dần từng bước hoàn thiện mua sắm thiết bị khoa học, công nghệ; đồng thời trong quá trình xây dựng làm đến đâu, triển khai các hoạt động nghiên cứu đến đó. Cách làm này áp dụng theo mô hình TT CNSH của TP Hồ Chí Minh, Đại học Huế có đội ngũ nằm rải rác ở các trường, nếu có cơ chế tốt sẽ tập hợp và xây dựng bộ khung hoàn chỉnh đủ năng lực để điều hành hoạt động thì TT Quốc gia về CNSH miền Trung sẽ sớm hình thành và phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (thực hiện)