Một em bé mắc tật đầu nhỏ tại Bệnh viện Oswaldo Cruz ở Recife, Brazil ngày 26/1. Ảnh: Reuters |
Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm Mỹ, hiện có hai loại vắc-xin với khả năng phòng ngừa virus Zika, một trong số đó được nghiên cứu dựa trên virus West Nile, loại virus có khả năng gây bệnh nguy hiểm cũng lây truyền qua muỗi.
Ông Fauci nói rằng, loại vắc-xin này chưa từng được phát triển do không tìm được công ty đối tác sản xuất thuốc, nhưng ông không coi đây là một vấn đề đối với Zika. “Chúng tôi đã thảo luận với một vài công ty có thể hợp tác trong việc phát triển loại vắc-xin này”, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm Mỹ khẳng định trong một cuộc họp báo.
Thêm vào đó, Tiến sĩ Anne Schuchat thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, hiện có 31 trường hợp công dân Mỹ nhiễm virus Zika, những người trước đó đã đi đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi virus. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có trường hợp lây truyền virus thông qua muỗi tại Mỹ.
Ngày 28/1 tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra lời cảnh báo, virus Zika đang lây lan một cách “bùng nổ” và có thể ảnh hưởng đến 4 triệu người dân ở châu Mỹ.
Zika là một loại virus lây truyền qua muỗi với các triệu chứng như sốt xuất huyết gây sốt nhẹ, phát ban và mắt đỏ. Đáng chú ý, loại virus này có liên quan đến dị tật đầu nhỏ bẩm sinh nghiêm trọng ở hàng ngàn trẻ sơ sinh tại Brazil. Ước tính có khoảng 80% số người nhiễm không có triệu chứng, có nghĩa là khó có thể xác định được một người phụ nữ có thai đang nhiễm bệnh. Đến nay, thế giới vẫn chưa có thuốc chủng ngừa cũng như điều trị đối với Zika.