Ông Mai Thuần, một người dân có kinh nghiệm 10 năm trồng sắn dây cho biết: “Sắn dây được trồng từ tháng 5 âm lịch, sau 5 đến 6 tháng mới cho thu hoạch. Cái khó khi trồng loại cây này là dùng choái để chống đỡ và giữ cho cây không ra củ phụ. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo năng suất và chất lượng củ chính”.
Sắn sau khi thu hoạch, tỉa rễ phụ, rửa sạch đất cát rồi xay nhuyễn lọc lấy bột. Tuy nhiên, quá trình này cũng đòi hỏi người nông dân phải nắm vững kỹ thuật để có tinh bột trắng, mịn, đẹp. Theo bà Trương Thị Chiến, vợ ông Mai Thuần: Phần thịt sắn dây sau khi xay cho vào ngâm nước, đánh cho thấm đều, sau đó vắt kiệt nước, rồi lọc qua nước 2 đến 3 lần để không còn cặn sắn. Nước bột được để lắng trong 10 giờ, sau đó bột được đánh tan, lọc thêm một lần nữa mới mang đi phơi. Để đảm bảo chất lượng, bột phải được phơi trong ba ngày nắng to. Nếu trời râm mát hoặc có mưa, phải dùng than để sấy. Quá trình lọc lấy tinh bột sắn mất khá nhiều thời gian và công đoạn, hầu như nhà nào ở Mỹ Lợi cũng huy động con em phụ giúp nên không khí vụ mùa thu hoạch càng khẩn trương hơn. Ông Nguyễn Hữu Quang, nhân viên Văn phòng - Thống kê UBND xã Vinh Mỹ cho biết, hiện nay, diện tích sắn dây trên toàn xã là 7ha, trong đó thôn 3, thôn 4 là nơi trồng sắn dây nhiều nhất. Trung bình một kg củ sắn dây tươi có chất lượng, có thể thu được 200g bột khô. Giá bột tại Mỹ Lợi hiện nay là 90.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên đến 120.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi sào sắn dây cho 150 kg bột khô, nhờ thế nên người trồng sắn có thể lãi xấp xỉ từ 8 đến 11 triệu đồng. So với trồng lúa, việc trồng sắn dây đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Ngoài ra, bà con nông dân còn tận dụng bã sắn và bột mủ để làm thức ăn chăn nuôi. Bã sắn sau khi vắt kiệt nước có thể phơi khô hoặc ướp muối để bảo quản. Hiện nay, nông dân Mỹ Lợi đang tập trung chuyển hướng sang trồng sắn dây thay vì chuyên canh cây lúa. Có hộ gia đình đầu tư vào sắn dây, mỗi năm thu hoạch đến 150kg-200kg bột sắn dây, đem lại thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, các hộ cũng chỉ trồng quy mô nhỏ, mang tính tự phát. “Việc trồng sắn dây chủ yếu là luân canh, gối vụ nên sản lượng chưa đủ để phục vụ nhu cầu của thị trường, mà chủ yếu là cung cấp cho người quen nên việc xây dựng thương hiệu chưa thực hiện được. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ tính tới phương án này trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hữu Quang nói. |
Bài, ảnh: Mai Huế |