Nếu nhìn lại thành tích đáng tự hào của năm 2015 với 8 HCV ở các giải vô địch quốc gia: Karatedo (1), Judo (1), Taekwondo (1), điền kinh (2) và vật (3) thì chỉ tiêu đạt 6-8 HCV có phần “an toàn”. Và chính ông Lê Xuân Bình – PGĐ Sở VH, TT&DL cũng thừa nhận, hiện chế độ dinh dưỡng đã và đang được nâng cao, tính hiệu quả của đề án phát triển thể thao thành tích cao vẫn đang phát huy tác dụng thì chỉ tiêu nói trên đúng là “an toàn”.

Theo ông Bình, việc sát nhập và thành lập nên Trung tâm huấn luyện thể thao sẽ giúp VĐV có cơ hội phát triển thành tích

Nhưng để nâng cao thành tích thể thao đỉnh cao không phải nói là được. Bên cạnh hạn chế chung về kinh phí, về nguồn xã hội hóa nhiều năm qua thì, theo Thông tư liên Bộ giữa Bộ VH, TT&DL & Bộ Nội vụ, hiện hầu hết các tỉnh, thành đều đã có Trung tâm huấn luyện thể thao, còn Huế vẫn chưa thực hiện được.

Sự ra đời của Trung tâm huấn luyện thể thao sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt quản lý khi những nơi có chức năng đào tạo, huấn luyện VĐV (Trung tâm Thể thao dưới nước, Đoàn bóng đá, Trường trung cấp TDTT) được quy về một mối. Từ đó, cơ sở vật chất, công tác đào tạo, huấn luyện VĐV đỉnh cao đi vào quy chuẩn, tiến đến nâng cao được thành tích tại đấu trường quốc gia, khu vực, ông Bình khẳng định.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trước đây Huế đã từng có Trung tâm huấn luyện thể thao. Dựa trên nhu cầu thực tế, năm 1995-19696, Trung tâm chuyển thành trường TDTT và đến cuối năm 2009, được nâng cấp thành Trường trung cấp TDTT, và đây cũng là nơi đóng góp huy chương chủ yếu cho ngành TDTT khi đa phần các môn mũi nhọn, thế mạnh như: cờ vua, vật, điền kinh, Karatedo... đều từ đây mà ra.

Không chỉ đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, Trường Trung cấp TDTT còn có thêm chức năng dạy văn hóa, thậm chí hướng nghiệp cho VĐV.  Còn Trung tâm huấn luyện thể thao lại không có chức năng này. Và với thực tế không nhiều VĐV Huế yên tâm cho tương lai của mình sau khi giải nghệ thì đây chính là điều đáng bàn, bởi, VĐV là nghề có có tuổi thọ ngắn ngủi. Làm gì, sống thế nào khi đã giải nghệ luôn là câu hỏi thường trực với mỗi một cá nhân trót theo nghiệp thể thao.

Tất nhiên, câu chuyện sát nhập để thành lập Trung tâm huấn luyện thể thao hay vẫn giữ nguyên như hiện tại là vấn đề vĩ mô trong quá trình phát triển thể thao mang tính dài hơi của tỉnh, của ngành, cũng như việc các tỉnh, thành thành lập Trung tâm huấn luyện thể thao đều có cái lý của nó. Vậy nên, chỉ xin nêu lên ý kiến nhỏ trên tinh thần xây dựng để mong các ngành chức năng chọn ra hướng đi hài hòa nhất để làm thế nào vừa phát triển được thành tích, vừa khiến VĐV yên tâm cống hiến hết sức lực cho thể thao tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Hàn Đăng