Trong một tuyên bố, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Hà Lan cho biết, "để cuộc chiến chống IS ở Iraq hiệu quả hơn, chính phủ quyết định sẽ thực hiện các cuộc không kích nhắm vào IS ở miền đông Syria".
Cuối năm ngoái, sau các vụ tấn công Paris hồi tháng 11, chính phủ Hà Lan đã nhận được yêu cầu từ các đồng minh Hoa Kỳ và Pháp về việc mở rộng chiến dịch chống lại nhóm chiến binh cực đoan IS.
"Các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Paris, Istanbul và Jakarta cho thấy rõ ràng, IS là một mối nguy hiểm cho an ninh và cuộc sống của chúng ta", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với các nhà báo ngày hôm qua, đồng thời cho biết "sẽ triển khai máy bay tiêm kích F-16 ở Syria, đặc biệt là để ngăn chặn dòng chảy các chiến binh từ Syria kéo qua Iraq", đề cập đến sự dịch chuyển của các chiến binh IS.
Hà Lan đã tham gia vào liên minh do Mỹ dẫn đầu bằng cách thực hiện các cuộc không kích tại Iraq với 4 máy bay F-16 chuyên hỗ trợ trên không cho hoạt động mặt đất của quân đội Iraq, nhưng trong quá khứ đã nhấn mạnh rằng sẽ không mở rộng các cuộc không kích qua Syria mà không có sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Rutte ngày hôm qua cho rằng, "việc chúng ta hoạt động trên toàn bộ khu vực này như là một liên minh thống nhất chính là điều quan trọng".
Các cuộc không kích của Mỹ tại Iraq bắt đầu vào tháng 8 năm 2014, sau khi IS chiếm đóng cả một vùng lãnh thổ lớn ở Iraq và Syria trong một cuộc tấn công chớp nhoáng. Một tháng sau đó (tháng 9/2014), Washington và các đồng minh Ả Rập đã mở rộng các cuộc tấn công chống lại IS ở Syria, khi Mỹ dẫn đầu các hoạt động nhằm xây dựng một liên minh quốc tế gồm 60 quốc gia chống lại các chiến binh IS.
Máy bay tiêm kích F-16 sẽ được Hà Lan triển khai trong các cuộc không kích IS tại Syria. Ảnh: AFP. |
Máy bay tiêm kích F-16 "thực sự có thể tạo ra các tác động cụ thể", Thủ tướng Rutte khẳng định, nói rằng các máy bay này sẽ được "triển khai hiệu quả hơn... nhất là trong việc tấn công vào các trung tâm đào tạo và các cơ sở khác" ở Syria, nơi vốn đang hỗ trợ cho các chiến binh IS ở Iraq, đồng thời cho biết thêm rằng, quân đội Hà Lan cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho việc đào tạo các lực lượng Iraq và Peshmerga.
Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã hoan nghênh động thái này và ca ngợi cam kết chiến đấu với những kẻ cực đoan IS của Hà Lan, nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng, "sự thất bại cuối cùng của IS phải là một chủ trương toàn cầu, bởi vì đó là một mối đe dọa đói với cả thế giới".
“Đánh bom không phải là giải pháp toàn diện”
"Chúng tôi tin rằng, chỉ có một cách tiếp cận phù hợp mới có thể mang lại sự ổn định cho Iraq và Syria", Ngoại trưởng Bert Koenders nói, và khẳng định rằng việc đánh bom không phải là một giải pháp toàn diện trong một "cuộc xung đột phức tạp" như vậy ở Syria, khi Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang cố gắng để duy trì quyền lực, chiến đấu với cả IS và phiến quân đối lập trung hoà do phương Tây hậu thuẫn.
Sau nhiều tuần lần lữa, Công đảng (PvdA) - đảng chiếm đa số trong chính phủ - cùng với đảng Tự do (VVD) của đương kim Thủ tướng Mark Rutte hôm 26/1 vừa qua cũng đã nhất trí mở rộng các cuộc không kích ở Syria, mở đường cho sự chấp thuận của quốc hội.
Các cuộc đàm phán hòa bình cấp cao nhằm chấm dứt tình trạng xung đột tàn bạo kéo dài suốt 5 năm qua ở Syria làm hơn 260.000 triệu người thiệt mạng và tạo ra dòng người tị nạn khổng lồ dự kiến bắt đầu vào đêm qua ở Geneva (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, không chắc chắn rằng liệu các nhóm chủ chốt sẽ tham dự cuộc hoà đàm, mặc dù phái đoàn chính phủ Syria đã đến Thụy Sĩ.
Pháp quyết định mở cuộc không kích các mục tiêu của IS trong sự trỗi dậy của các cuộc tấn công ngày 13/11 năm ngoái khiến 130 người thiệt mạng, nhắm vào thành trì Raqa của IS. Anh cũng tham gia vào cuối năm ngoái, trong khi các máy bay Nga cũng đã xuất kích đến Syria kể từ tháng 9/2015.
Tố Quyên (lược dịch từ AFP & NYTimes)