Trong động thái gây bất ngờ, BOJ cho biết sẽ tính phí 0,1% (tức áp đặt lãi suất -0,1%) đối với một số khoản tiền gửi của các ngân hàng thương mại với hy vọng bước đi này sẽ khích lệ họ tích cực cho vay hơn thay gì để quá nhiều tiền mặt nhàn rỗi, từ đó thúc đẩy chi tiêu và đầu tư trong nước.

BOJ cho biết sẽ tiếp tục tăng mức lãi suất âm nói trên nếu thấy cần thiết, đồng thời sẽ duy trì chính sách này cho đến khi nào đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Tuyên bố của BOJ khẳng định kinh tế Nhật vẫn đang hồi phục nhưng những những rủi ro từ sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu có thể làm chậm lại quá trình đạt được mục tiêu lạm phát đề ra.

 


Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda. Ảnh: AP

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda. Ảnh: AP

Tại một cuộc họp báo hôm 29-1, ông Haruhiko Kuroda, thống đốc BOJ, nhận định sự sụt giảm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu là yếu tố chính đằng sau bước đi trên: "Giá dầu tiếp tục lao dốc, tình trạng không chắc chắn của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, và sự bất ổn của thị trường toàn cầu có thể làm tổn hại đến lòng tin của doanh nghiệp (Nhật Bản) và khiến người dân vẫn chưa xóa bỏ được tư duy giảm phát".

Lạm phát ở Nhật Bản hiện đang ở mức rất thấp, đồng nghĩa người dân và các doanh nghiệp có xu hướng giữ tiền với giả định rằng họ có thể nhận được nhiều hơn sau một thời gian. Vì thế, thay vì chi tiêu hoặc đầu tư, họ giữ tiền trong ngân hàng.

Dữ liệu kinh tế mới được công bố hôm 29-1 một lần nữa làm dấy lên quan ngại về tăng trưởng kinh tế. Tỉ lệ lạm phát lõi tháng 12-2015 là 0,1% - thấp hơn nhiều so mục tiêu 2% của BOJ.

Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng và sản lượng công nghiệp trong tháng 12-2015 cũng lần lượt giảm 4,4% và 1,4% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trước Nhật Bản, khu vực đồng euro (eurozone) cũng thực thi chính sách lãi suất âm để đối phó khủng hoảng tài chính.

Theo NLD