Một nhân viên y tế đang phun thuốc diệt muỗi để ngăn ngừa sự lây lan của virus Zika. Ảnh: AP.

 

Cùng nhìn qua một số biện pháp được áp dụng ở các nước châu Á hiện nay nhằm ngăn chặn sự lây lan của Zika.

Hàn Quốc

Giới chức Hàn Quốc khuyến cáo phụ nữ đang mang thai không nên du lịch đến các nước Trung và Nam Mỹ, đồng thời yêu cầu các bác sĩ phải báo cáo ngay các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc ngày hôm qua cũng liệt kê virus Zika vào nhóm các bệnh truyền nhiễm được ghi nhận và cần theo dõi như như mối hiểm hoạ đe dọa sức khỏe người dân. Các bác sĩ có thể phải đối mặt với mức phạt lên đến 2 triệu won (1.654 USD) nếu không báo cáo các bệnh nhân bị nhiễm bệnh do muỗi truyền hoặc có các triệu chứng nhiễm virus.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cũng đã được gửi tin nhắn cho những người dân đang du lịch ở khu vực nhiễm Zika để thông báo cho họ về căn bệnh và các biện pháp phòng ngừa. Một quan chức của trung tâm cho biết, hiện chưa có kế hoạch tăng cường kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay khi cho rằng việc này sẽ chỉ làm gia tăng sự sợ hãi không cần thiết.

Malaysia

Cơ quan Y tế Malaysia yêu cầu các du khách đến từ Nam và Trung Mỹ có biểu hiện các triệu chứng như sốt và phát ban cần phải báo cáo ngay với trung tâm y tế.

Tiến sĩ Lokman Hakim Bin Sulaiman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, Viện Nghiên cứu y học Bộ Y tế Malaysia cho biết, đây là động thái bắt buộc vì việc tiến hành khám sức khỏe cộng đồng tại các cửa ngõ quốc gia là điều không khả thi. "Virus này rất khó phát hiện và hiện không có trạm kiểm tra nhanh nào có thể được sử dụng", ông nói.

Nhật Bản

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ban hành một khuyến cáo an toàn, kêu gọi phụ nữ cần tránh du lịch đến Brazil và các nước bị ảnh hưởng khác trong thời gian mang thai, và khuyên tất cả du khách đến các khu vực này cần phải thận trọng. Bộ đề nghị người dân mặc áo dài tay và quần dài, sử dụng thuốc xịt muỗi và tránh để lại ra xô, chậu rỗng và các vật dụng khác có thể chứa nươca ẩm thấp – vốn là nơi sinh sản “lý tưởng” của loại muỗi truyền bệnh Zika và phải báo cáo ngay cho các tổ chức y tế trong trường hợp phát triển các triệu chứng đáng ngờ.

Các quan chức y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tư vấn cho phụ nữ có thai không nên đến thăm các khu vực nhiễm Zika, tiến hành kiếm tra các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh trở về từ các khu vực trên và gửi mẫu thử đến phòng thí nghiệm quốc gia.

Ấn Độ

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Shri J. P. Naddahas nhấn mạnh yêu cầu cần kiểm soát sự lây lan của muỗi Aedes – loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika và sinh sản trong nước sạch. "Nhận thức cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Do đó, công đồng cần có nhận thức cao hơn nữa về căn bệnh này", ông nói.

Ấn Độ cũng đang tăng cường việc kiểm tra, theo dõi các diễn biến về dịch bệnh trên thế giới và đã thành lập một nhóm chuyên gia để giám sát tình hình.

Hồng Kông

Các quan chức y tế nước này đang tư vấn cho các phụ nữ mang thai và những người có kế hoạch mang thai cần áp dụng biện pháp phòng ngừa chống muỗi cần thiết, và cân nhắc việc hoãn các chuyến đi tới khu vực có nhiễm virus Zika.

Bộ trưởng Thực phẩm và Y tế Hồng Kông, Tiến sĩ Ko Wing-man cũng nói rằng, do chỉ có khoảng 1/4 những người nhiễm bệnh có các triệu chứng biểu hiện, nên sự chú ý của cộng đồng không thực sự lớn. Đây chính là một vấn đề cần quan tâm".

Muỗi Aedes hiện chưa được tìm thấy tại Hồng Kông, Bộ Y tế cho biết, nhưng cũng cảnh báo rằng các loại muỗi khác có mặt trên lãnh thổ cũng được coi là có khả năng truyền bệnh.

Việt Nam

Các cơ quan y tế Việt Nam đã cảnh báo người dân đến từ các quốc gia có virus Zika cần theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày, và nếu những người này phát sốt cần phải báo cáo ngay cho các cơ sở y tế.

Đồng thời, các cơ quan này cũng cảnh báo người dân làm sạch các thùng chứa nước và sử dụng màn chống muỗi để ngăn chặn nguy cơ lây lan của virus Zika.

Tố Quyên (lược dịch từ AP & Asiaone)