Nguy hiểm rình rập
Vụ đông xuân 2015-2016, HTX Đông Phước (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), đưa vào sản xuất 263 ha, đến nay đã sạ xong gần 250 ha. Ông Ngô Đình Triển, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Một số diện tích lúa mới gieo sạ bị chuột cắn phá từ 30-40%, nhiều nơi phải tỉa dặm mạ. Do diện tích lúa bị chuột cắn phá nhiều, không diệt hết nên bà con dùng xung điện mắc trên đồng ruộng để bẫy chuột”.
Cắm cọc, giăng dây điện bẫy chuột
Theo người dân, việc sử dụng bẫy chuột bằng xung điện tuy biết là nguy hiểm nhưng hiệu quả diệt cao nên bà con “liều” sử dụng. Ông Nguyễn T. (thôn Khuôn Phò) cho biết: “Trước đây, chỉ cần bỏ thuốc từ 5-7 đợt/vụ cùng sử dụng các loại bẫy HTX trang cấp là diệt được chuột khá nhiều. Do năm nay không lũ, nên chuột sinh sôi nhiều, một đêm mắc bẫy bằng xung điện diệt cả trăm con”.
Các hộ dân dùng bẫy chuột bằng xung điện từ bình ắc quy 12V, qua bộ kích điện lên đến 500V. Dây điện được giăng mắc ven chân ruộng, cách mặt đất chừng 5cm, nguồn nóng được mắc vào phần dây giăng trên bờ, nguồn mát cắm xuống đất.
Chuột hoành hành dữ dội vào đầu vụ khiến các xứ đồng của HTX Đông Phước hình thành nên “dịch vụ” diệt chuột thuê với giá 30 nghìn đồng/sào/đêm. Ông Phạm Th. (thôn Khuôn Phò) thú thật: “1 sào lúa nhà tui vừa gieo sạ xong đã bị cắn phá 30% diện tích. Tui thuê bà con quanh xóm, đặt bộ kích điện một đêm, trả phí mấy chục nghìn song diệt được mấy trăm con chuột”.
Tại một số địa phương như thị trấn Sịa, xã Quảng Thành, do chuột tấn công dữ dội nên một số hộ dân cũng dùng biện pháp diệt chuột bằng xung điện.
Đặt bẫy rồi… thông báo
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, việc diệt chuột bằng xung điện trên các cánh đồng đã gây ra nhiều hậu quả đau lòng. Nghị định 68 của Chính phủ ban hành ngày 15/6/2010 quy định xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực nêu rõ, đối với một trong các hành vi sử dụng điện để đánh bắt thủy sản, bẫy chuột, chống trộm, bảo vệ tài sản, hoa màu... không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng. |
Ông Ngô Đình Triển, Chủ nhiệm HTX Đông Phước cho biết: “Tính đến nay, HTX cùng xã viên đã tiến hành ra quân diệt chuột lần thứ 3. Hiện có 70% bà con các xã viên ở 9 đội sản xuất (khoảng 600 hộ dân) có sử dụng bẫy chuột bằng xung điện. HTX cùng chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con nhiều lần nhưng không hiệu quả”.
Các hộ dân đặt bẫy điện “đối phó” bằng cách khi đặt bẫy thì có người canh chừng và ở 9 đội sản xuất của HTX có thông báo vào chiều tối hàng ngày ở những điểm, thời gian bà con đặt bẫy điện nhằm tránh nguy hiểm cho người và gia súc. “Mặc dù có thông báo, bà con làm ruộng thì biết không cho người và gia súc đi vào khu vực đó rất nguy hiểm. Nhưng đây là thời điểm nước vừa đưa vào đồng ruộng, cá, tôm xuất hiện nhiều nên nguy hiểm cho những người đi đánh bắt thủy sản và các em học sinh”, ông Triển thừa nhận.
Tại HTX Đông Phú (xã Quảng An), ước tính, có từ 5-10% diện tích bị chuột cắn phá, phải sạ hoặc dặm tỉa mạ lại trong thời gian tới.
Ông Hoàng Vọng, Phó Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho hay, đến nay, trên địa bàn huyện đã gieo cấy được 3.500 ha (trên tổng diện tích 4.258 ha toàn huyện). Trước tình hình chuột hoành hành, 22 HTX trên địa bàn huyện Quảng Điền đã sử dụng 160 kg thuốc Racumin để diệt chuột; Phòng NN&PTNT huyện cũng phân bổ gần 7.000 bẫy chuột bán nguyệt cho các HTX và đã ra quân diệt hơn 28.000 con chuột.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN