Trong bối cảnh doanh thu giảm do giá dầu tuột dốc, Baghdad cho biết sẽ xoay sở để giải ngân ít hơn một nửa nguồn ngân sách trong kế hoạch trị giá 1,56 tỷ USD nhằm hỗ trợ 10 triệu người có nhu cầu.

“Với nhu cầu cần được hỗ trợ ngày càng tăng, ngân sách liên bang sẽ không thể đáp ứng đủ. Chúng tôi hy vọng rằng, ưu tiên nhân đạo trong Kế hoạch ứng phó của LHQ sẽ giúp lấp đầy một phần của khoảng trống này”, Bộ trưởng Bộ Di cư Iraq Jassim Mohammed al-Jaff nói trước LHQ.

Bộ trưởng Bộ Di cư Iraq Jassim Mohammed al-Jaff (phải) phát biểu trong một tuyên bố chung trước Điều phối viên nhân đạo của LHQ về Iraq Lise Grande tại thủ đô Baghdad ngày 31/1. Ảnh: Reuters

Điều phối viên nhân đạo của LHQ về Iraq Lise Grande nhận định, ​​cuộc khủng hoảng ở Iraq “sẽ mở rộng và xấu đi” trong vài tháng tới.

LHQ cảnh báo ​​số lượng lớn dân thường phải chạy trốn khỏi Mosul khi lực lượng Iraq thực hiện cuộc tấn công để chiếm lại thành phố phía bắc từ tay IS trong năm nay.

“Số lượng người cần giúp đỡ đang tăng lên, trong khi nguồn tài chính đang đi xuống và đó là lý do dẫn đến một khoảng cách rất lớn. Những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện rõ ràng là ưu tiên cho việc lấp đầy khoảng cách này”, bà Lise Grande nói với Reuters.

Trong số 10 triệu người Iraq cần trợ giúp khẩn cấp, hơn 3,3 triệu người phải di dời do cuộc xung đột với IS kể từ năm 2014, theo số liệu thống kê của LHQ.

Chính phủ Iraq đã phân bổ khoảng 850 triệu USD vào năm ngoái để cung cấp nơi trú ẩn cho các gia đình và giúp họ trở lại những khu vực tái chiếm, theo một báo cáo của chính phủ.

LHQ cho hay, “chi phí đang được yêu cầu chưa thật sự tương xứng với nhu cầu nhân đạo ở Iraq, nhưng cũng phần nào phản ánh chính xác mức tối thiểu cần thiết để giúp người dân Iraq sống sót trong cuộc khủng hoảng”.

Được biết, IS đã chiếm khoảng 1/3 lãnh thổ phía bắc và phía tây của Iraq trong năm 2014, nhưng đang dần dần bị lực lượng Chính phủ Iraq, dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn và lực lượng người Kurd đẩy lùi. Các lực lượng được hỗ trợ bởi những cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Hầu hết những người di tản đang sống trong các trại tạm thời, những tòa nhà bị bỏ hoang ở Baghdad, khu vực Kurdistan phía Bắc và các khu vực khác là người thiểu số Sunni.

Theo ông Jassim Mohammed al-Jaff, khoảng ​​200.000 gia đình có thể trở về nhà trong năm nay.

Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & Reddit)