Quá nhiều việc phải làm
Không nói nhiều đến lợi thế, câu chuyện làm du lịch ở Phước Tích với Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui lại bắt đầu từ những khó khăn. Cái khó thứ nhất, theo ông Vui là với một tỉnh có quá nhiều đặc sản du lịch như Huế thì danh tiếng Phước Tích không dễ gì cạnh tranh về điểm đến. Chưa kể, làng lại cách Huế gần 40km và tại đây đang có nhiều cái khó khác như thiếu lực lượng lao động trẻ; hàng chục ngôi nhà cổ xuống cấp chưa có kinh phí tu bổ; nghề gốm truyền thống là linh hồn của làng đến nay vẫn đang loay hoay tìm lối đi.
Danh tiếng đã có nhưng hiện mỗi năm, Phước Tích mới thu hút trên 100 lượt khách tham quan. Đến nay, Công ty du lịch Việt-Pháp là doanh nghiệp du lịch duy nhất mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch homestay cho hai hộ dân, đưa du khách đến tham quan và lưu trú tại làng cổ nhưng sau ba năm hoạt động, hiệu qủa vẫn còn khiêm tốn.
Ông Nguyễn Văn Hảo, hướng dẫn viên du lịch quốc tế lâu năm ở Huế thẳng thắn cho rằng, với điều kiện như hiện nay, rất khó đưa Phước Tích vào tour bởi điểm đến này còn thiếu nhiều thứ như chưa có điện thắp sáng về đêm.
Thiếu các dịch vụ du lịch bổ trợ. Người dân chưa có kỹ năng làm du lịch, ngay cả việc xây dựng một bữa ăn đơn giản và phù hợp cho khách Tây. Lợi thế lớn nhất ở Phước Tích là đi bộ, tham quan làng nhưng lại khó thực hiện bởi nhiều tuyến đường làng sình lầy về mùa mưa. “Với thực trạng hiện nay, so với khu du lịch nước nóng Thanh Tân, chỉ cách Huế 25km, Phước Tích đã không thể cạnh tranh được. Chưa nói đến những điểm khác như làng Trà Quế của Quảng Nam, chỉ cách Hội An đúng 5 phút. Là một ngôi làng nhân tạo nhưng có đủ tiêu chí thu hút của một mô hình du lịch làng. Với điều kiện hiện nay, chưa nên vội quảng bá thu hút khách đến Phước Tích”-ông Hảo kết luận.
Cái khó không chỉ là kinh phí
Đem tất cả những cái khó của làng cổ đặt lên bàn “nghị sự” với Chủ tịch Nguyễn Đại Vui, ông cho biết: “Trước mắt, huyện đã hỗ trợ 20 chiếc xe đạp, một chiếc thuyền chèo tay phục vụ khách tham quan. Ban quản lý làng cổ đang tiến hành tuyển chọn 20 nam thanh nữ tú trong huyện, hỗ trợ kinh phí cho họ được tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Phương án hỗ trợ kinh phí giúp người dân lát đường, hoàn thiện hệ thống giao thông làng cũng đang được tính đến…”.
Để minh chứng thêm những cái khó lẫn quyết tâm của huyện, ông Vui đích thân dẫn chúng tôi về làng cổ khi ở đây vừa qua một đợt lụt. Con đường cái dẫn vào làng đôi nơi bùn lép nhép. Nhiều con ngõ dẫn vào những ngôi nhà cổ vẫn còn lầy lội. Đứng lặng trước những con ngõ mềm mại uốn lượn qua những bờ chè tàu xanh mát, ông Vui ao uớc: “Muốn hoàn thiện hệ thống đường giao thông cho Phước Tích, chí ít cũng phải tốn 10 tỷ đồng”.
Với một ngôi làng di sản như Phước Tích, vấn đề đầu tư hạ tầng không chỉ khó mỗi kinh phí. Cái khó cũng không phải làm cái gì mà là làm như thế nào để cái mới phù hợp, hài hòa, bảo đảm không phá vỡ cảnh quan của làng cổ. Chính vì thế mà trong kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho dân làm ngõ chống lầy, lãnh đạo huyện Phong Điền đang vắt óc tính đến phương án dùng gạch nung truyền thống ngay tại làng gốm. Một ý tưởng mà theo nghệ nhân Lê Trọng Diễn, là chi phí sẽ đắt gấp nhiều lần so với giá gạch trên thị trường hiện nay.
Cũng với cái khó của bài toán bảo tồn và phát triển, ông Vui cho hay, việc lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng cho Phước Tích là không khó. Cái khó là nên chọn kiểu đèn gì, mắc như thế nào cho phù hợp với những con đường làng rợp bóng cây. Trước mắt, có thể sẽ dùng đèn lồng bánh ú. Về lâu dài có thể sẽ thay thế bằng mẫu đèn gốm làm ngay tại xưởng gốm của làng, đặt hài hòa dọc bờ kè bên sông Ô Lâu đang có kế hoạch xây dựng nay mai. Chưa kể, để có thể xây dựng được bờ kè chống xói lở này cho làng cổ, đích thân Chủ tịch huyện Phong Điền phải nhiều lần ra tận Bộ Văn hóa,Thể Thao&Du lịch để chờ góp ý, điều chỉnh sao cho phù hợp, bảo đảm hài hòa với cảnh quan, môi trường…
Chủ tịch UBND huỵên Phong Điền-ông Nguyễn Đại Vui (giữa) cùng các chuyên gia JICA (Nhật Bản)
trong một lần khảo sát tại Phước Tích. Ảnh: Diên Thống
Về Phước Tích lần này, chúng tôi dừng chân tại nhà nghệ nhân Lê Trọng Diễn. Trong ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi, ông Diễn khoe với khách bộ sưu tập gốm gắn với lịch sử 500 năm của làng nghề, trong đó có những hiện vật quý như chiếc om ngự hàng trăm năm tuổi. Các chuyên gia Nhật cho biết, họ đang khảo sát để có thể giúp ông Diễn làm du lịch bằng việc tái hiện nghề gốm ngay tại nhà và xem hiện vật gốm. Cũng liên quan đến việc bảo tồn và phát triển nghề gốm đang gặp khó, Chủ tịch Nguyễn Đại Vui cho biết, sau thành công bước đầu từ sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật, huyện đã cho thành lập HTX gốm để làm ba việc: Duy trì hoạt động; tuyển 15 nhân lực trẻ đào tạo lớp thợ kế cận và làm công tác quảng bá, quản lý.
Ngoài hỗ trợ nghề gốm, các chuyên gia Nhật Bản đang tiến hành giúp tu bổ ngôi nhà cổ trên 120 tuổi từ kinh phí tài trợ của Bỉ và hỗ trợ lắp đặt mẫu một vài nhà vệ sinh phục vụ du lịch...
Với tất cả những nỗ lực như hiện nay, ông Vui cho biết, trước mắt, hy vọng đến Festival Huế 2012 vào tháng tư năm tới, điểm đến du lịch Phước Tích sẽ có tính chuyên nghiệp hơn. “Về lâu dài, cùng với Phước Tích, Phong Điền đang định hướng đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn, gắn với du lịch nghỉ dưỡng ở Thanh Tân, du lịch DMZ ở Phong Mỹ; các làng nghề Mỹ Xuyên, Hiền Lương và du lịch đầm phá”-Chủ tịch Nguyễn Đại Vui phác thảo với không ít tham vọng lẫn quyết tâm. Tuy nhiên, với Phước Tích, ông Vui cho rằng, sự hỗ trợ của huyện chỉ đóng vai trò của một “bà đỡ”. Yếu tố tạo nên thành công do đó còn là sự ý thức của nguời dân và bằng mọi giá phải có sự hợp tác tích cực của chính những chủ nhân làng cổ.
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui:
Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mở các dịch vụ và hỗ trợ người dân làm du lịch, huyện đang tiến hành xây dựng đề án qui hoạch bảo tồn, phát triển làng cổ Phước Tích, cố gắng hoàn thành trong năm 2012. Đây là cơ sở để xác định khu vực nào cần bảo vệ nguyên gốc, khu vực nào cần bảo tồn thích nghi, khu vực nào dành cho xây dựng mới để bảo đảm được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đối với một ngôi làng đã được công nhận di tích cấp quốc gia. Chúng tôi đang vận động người dân không dùng đồ nhựa và túi ni-lông trong sinh hoạt hàng ngày, trước hết ở những hộ gia đình tham gia làm du lịch để tiến đến xây dựng làng môi trường. Việc phục hồi các vườn cây ăn trái cũng đang được tính đến.
Ông Nguyễn Thế, Trưởng ban Quản lý làng cổ Phước Tích:
Sắp tới, chúng tôi sẽ mời một số chuyên gia am tường về du lịch, tranh thủ ý tưởng nên phát triển loại hình dịch vụ gì ở Phước Tích là phù hợp. Trước mắt, sẽ mời nghệ nhân Như Huy bảo trợ thương hiệu ẩm thực cho làng, trực tiếp giúp dân xây dựng một số thực đơn chuẩn và tập huấn kỹ thuật cho lao động trẻ.
Ông Nguyễn Văn Hảo-hướng dẫn viên du lịch:
Cái thiếu nhất ở Phước Tích hiện nay là các hoạt động cụ thể gắn với con người. Có thể hình thành nhiều dịch vụ tại đây như mời các cụ bà trong làng chèo thuyền, đạp xe hướng dẫn cho du khách tham quan; du khách cùng người dân làm vườn, trồng rau sạch, làm bánh hay tổ chức dịch vụ mát-xa, ngâm chân bằng nuớc thuốc từ hoa, lá trong làng… Ý tuởng không thiếu. Theo tôi cái cần nhất để phát triển ở Phước Tích chính là cơ chế. |
Kim Oanh