Huế của tôi đây! Niềm vui òa vỡ. Cười có, khóc có...thật rất khó để diễn tả cái cảm xúc của một đứa con sau nhiều năm “lạc bước giang hồ” nay lại được trở về trong vòng tay của người thân, bè bạn...
Những ngày sau đó là những ngày của hạnh phúc ngập tràn, của những cuộc thăm thú, những cuộc hàn huyên tưởng như không bao giờ có hồi kết. Quê hương quả là kỳ lạ, tôi như được tiếp thêm năng lượng tràn trề, chẳng một thoáng mỏi mệt...
Mứt bánh Huế. Ảnh: Hoàng Anh |
Huế so với những ngày xưa của tôi đã đổi thay thật nhiều. Những con đường to rộng, đẹp đẽ hơn. Những cây cầu nối nhịp các dòng sông cũng nhiều hơn và vững chãi hơn. Cầu Trường Tiền, cây cầu tâm thức của bao thế hệ người Huế chúng tôi sau bao lần gãy nhịp nay đã được tu sửa liền lặn nối bờ vui. Đâu khoảng đầu những năm 1990, thời cây cầu được sửa xong, từng nghe ý kiến này ý kiến khác, ý kiến nào cũng có lý và cũng đầy trĩu ưu tư vì cái toàn thiện toàn mỹ của Huế; mà nếu nghĩ cho đến tận cùng, nó cũng khớp trùng với ưu tư của những nhà lãnh đạo khi họ quyết định cân đối túi tiền vốn dĩ chưa phải giàu có gì để đầu tư cho Trường Tiền. Một cái nhìn như thế để thấy lòng nhẹ nhàng, thấy mạch sống thật đáng quý, đáng yêu...
Tết Huế khồng ồn ã rộn ràng như nhiều nơi khác, cũng không buồn tênh diệu vợi như những cái Tết tôi đã phải đi qua nơi đất người xứ lạ. Lâng lâng đắm mình trong không gian thanh khiết, trong hương trầm lãng đãng, trong âm vọng của những giọt chuông chùa điểm rơi vào thinh không huyền hoặc... Tôi rưng rưng hòa mình vào dòng người lên chùa lễ Phật, hòa vào dòng người hướng về nghĩa trang để dâng lên mộ phần tổ tiên và những người thân đã khuất nén tâm hương trong ngày đầu năm. Ôi, hiếu nghĩa tri ân, trong cõi nhân gian xô bồ của áo cơm thường nhật, âu chỉ có dân mình, Huế mình là còn tồn lưu và dễ thương đến vậy...
Cũng trong những ngày về quê ăn Tết, tôi rủ người bạn thân chạy về thăm lại cảnh trường cũ Lý Thường Kiệt năm nào. Ngoại trừ sân vận động Tự Do, còn thì cảnh vật đổi thay đến không còn nhận ra. Đường Bà Triệu mở rộng, những dãy nhà tạm bợ, lụp xụp đoạn gần giáp với đường Duy Tân cũ (nay là Hùng Vương) đã được giải tỏa hoặc dựng xây lại. Hồ ao, bờ ruộng được san lấp để làm đường sá, công viên, siêu thị, khách sạn, nhà hàng... Lối về Xuân Phú, về chợ Cống xưa kia thấp nhỏ tí xíu. Lũ học trò bọn tôi hễ trời lụt là lại chuồn học rủ nhau đi lội chơi, bất kể bị ngăm nghe, bị đánh đòn. Nay đã là những đại lộ. Ngay chỗ chợ Cống đã mọc lên cây cầu Vĩ Dạ mở ra một khu dân cư khá sầm uất kéo về phía biển. Vui nhất có lẽ là khu Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Lê Lợi... Thời còn đi học, có mấy người bạn ở đường Chu Văn An rủ đến nhà chơi. Con đường vắng teo, và theo chỗ tôi nhớ, chỉ rộng đâu chừng “một sải tay”. Nay đường vẫn tên cũ, nhưng đã rộng hơn. Mấy người bạn cũ chẳng biết có còn ở đó không? Chỉ thấy khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, quán bar, cửa hiệu mọc lên kín hết. Cơm Âm Phủ xưa nổi tiếng nhất vùng, nay hình như đã hơi lép vế so với lớp em út về sau (?). Tôi và bạn tạt vào quán bia nơi góc một ngã ba đường. Vỉa hè thôi, nhưng trang nhã, dễ thương. Hai anh em ngồi nhấm nháp đôi chai bia và ngắm phố sá lên đèn, ngắm khách du lịch nhộn nhịp lại qua. Bạn tôi bảo, dân Huế quê tôi quen gọi đây là “phố tây”, bởi là nơi tập trung nhiều du khách ngoại quốc nhất. Mới đây, nghe bạn nhắn tin cho hay chính quyền thành phố đã quyết định sẽ đầu tư tu sửa, sắp xếp khu phố này trong nay mai. Tôi mừng, nghĩ đó là quyết định sáng suốt, nên làm. Huế cần chỗ cho du khách “thức khuya”, cần chỗ cho du khách đi bộ, mua sắm, thì là đây chứ còn ở đâu xa nữa?
Thời gian trôi thật là nhanh, tôi giã biệt Huế để “về nhà” trong tâm trạng của người đang phải xa nhà. Huế của tôi mờ dần dưới cánh bay... Lại nôn nao mơ mau tới Tết, nôn nao mơ được vác ba lô về nhà...
Hoàng Nguyễn (Cali)