Du khách thích thú

11 giờ trưa, chúng tôi đến nhà hàng Thủy Biều (TP Huế) xem những vị khách nước ngoài thư giãn bằng “tuyệt chiêu” massage của người khiếm thị. Chân ngâm những thùng nước ấm được trộn nhiều thảo dược, miệng họ mỉm cười tỏ vẻ thích thú. Điểm đặc biệt nhất trong quá trình tận hưởng dịch vụ của gói tour nơi đây là thỉnh thoảng họ lại giao tiếp qua lại và cười sảng khoái cùng các nhân viên massage khiếm khuyết về “cửa sổ tâm hồn”.

Bà Branka hài lòng khi được ông Hoài massage

Phục vụ xong đợt khách, những người thợ massage ra nghỉ ngơi để chuẩn bị tiếp đoàn khách mới. Dù làm việc liên tục, nhưng không một ai có biểu hiện mệt mỏi, trái lại là niềm háo hức sẵn sàng tiếp tục “nhận nhiệm vụ”. Anh Nguyễn Đức Nhật, hội viên Hội Người mù (HNM) TP Huế kể, sau khi được HNM tỉnh đào tạo chuyên sâu massage, anh bắt đầu đến với nghề để mưu sinh. 4 năm làm việc ở cơ sở Niềm tin, đầu năm 2015, anh được cử về nhà hàng Thủy Biểu để phục vụ khách du lịch. Ngày nhận công việc ở địa điểm mới, anh cảm thấy bỡ ngỡ, bởi ngoại hình người nước ngoài cao to, cần dùng nhiều sức. Không những thế, rào cản ngôn ngữ khiến anh khó thăm dò mức độ hài lòng của khách. “Em phải cố gắng làm hết mình rồi tập nói những câu đơn giản bằng tiếng Anh để hỏi họ cần làm nhẹ tay hay dùng sức nhiều hơn. Những vị khách đầu tiên hài lòng khiến em nhẹ người, từ đó mới tự tin hơn để làm việc”, anh Nhật kể.

Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy mỗi lượt khách sử dụng dịch vụ massage khoảng 20-40 phút (tùy nhu cầu từng người). Suốt thời gian này, nhân viên massage phải đứng, liên tục thao tác công việc nhưng thái độ luôn niềm nở. Cả khách và người khiếm thị làm nghề massage thân mật như đã quen thân với nhau. Thậm chí, có vị khách khó tính cũng đồng ý để họ làm vì “chất lượng công việc” của nhân viên massage được thẩm định qua các lượt khách trước đó.

Đoàn khách nước ngoài cười vui khi massage

Ngoài khâu chuẩn bị nước có nhân viên nhà hàng làm sẵn, những công đoạn còn lại, người khiếm thị làm công việc massage như đã thạo việc. Họ xoa bóp massage đầu, vai, chân chính xác đến từng huyệt, điều này khiến du khách cảm thấy dễ chịu. Bà Branka đến từ Serbia (32 tuổi) nhận xét: “Sau khi tham quan về tôi thấy trong người hơi mệt. Trước đây tôi ít khi massage vì cảm thấy không thú vị với phương pháp này. Nhưng khi đến đây, tôi thấy tuyệt lắm. Họ làm cho tôi đỡ mệt, anh nhân viên vừa làm tốt, vừa khéo nói chuyện. Tôi rất thích!”

Làm đẹp hình ảnh du lịch Huế

Trò chuyện với anh Lê Văn Cư, Quản lý nhà hàng Thủy Biều, được biết massage là một dịch vụ trong gói tour phục vụ du khách của công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Du thuyền cảm xúc sông Hương. Sau khi đi tham quan các di tích, du khách đến nhà hàng để học nấu ăn, đạp xe tham quan và thư giãn bằng phương pháp massage do người khiếm thị thực hiện. Anh Cư kể: “Năm 2009, công ty mở ra dịch vụ massage và thấy khách hài lòng. Điểm đặc biệt là họ thích người khiếm thị phục vụ hơn. Ở đây có 4 nhân viên khiếm thị làm cố định, khi mùa đông khách thì tăng cường thuê thêm người sáng mắt, nhưng khách lại đánh giá cao người khiếm thị hơn. Đó là những con người có biệt tài. Dù hoàn cảnh nhưng họ biết cố gắng, đồng thời kỹ thuật của họ cũng rất tốt”.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh cho biết: “Ngoài 4 nhân viên massage ở nhà hàng Thủy Biểu, Hội còn nhận hợp đồng với các nhà hàng, khách sạn phục vụ massage khi cần. Đa số đối tượng phục vụ là khách nước ngoài muốn thư giãn chính đáng. Đây là cơ hội giải quyết việc làm rất tốt cho hội viên. Người khiếm thị được đào tạo kỹ thuật massage chuyên nghiệp nên đa phần đáp ứng nhu cầu của các cơ sở làm du lịch. Tương lai, Hội Người mù tỉnh sẽ đầy mạnh hơn nữa, liên kết với nhiều nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch để đưa người khiếm thị làm massage phục vụ du khách.

Những người khiếm thị làm việc tại đây trải lòng, so với làm ở các cơ sở chuyên về massage, khi đến điểm du lịch để phục vụ khách, tâm trạng có nhiều cảm xúc. Lợi ích về mặt thời gian làm việc (từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều) giúp họ có cơ hội để làm thêm ngoài giờ, bên cạnh đó điều khiến họ vui là được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, đặc biệt khách quốc tế. Anh Nhật tâm sự: “Bản thân em được tiếp xúc với người nhiều nước thấy rất may mắn vì tìm hiểu được nhiều nền văn hóa. Công việc này giúp em học được tiếng Anh cơ bản, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và nghề nghiệp chuyên môn để phục vụ khách. Nhờ đó mà em và những người trong Hội vượt qua hoàn cảnh bản thân. Mặc khác, em cũng cố gắng làm tốt để họ đánh giá cao dịch vụ du lịch của Huế mình”.

Một hướng dẫn viên dẫn khách đến đây chia sẻ, nhiều lần thăm dò ý kiến khách, họ đều tiết lộ với anh rằng, qua hình ảnh những người khiếm thị massage, họ đánh giá cao tài năng và nghị lực của người Việt Nam. Người khiếm thị làm massage cho du khách là một hình thức làm du lịch đặc biệt và đó là màu sắc mới mà họ được thấy khi đến các nước trong khu vực châu Á, như Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Theo anh Lê Văn Cư, massage là mắt xích quan trọng trong gói tour du lịch mang đến cho khách bởi sau quá trình tham quan, đi nhiều nơi, đây là phương pháp giúp họ thả lỏng, thư giãn cơ thể và bớt mệt. Bên cạnh đó, những dược thảo được hái từ vườn có tác dụng tốt cho sức khỏe khiến du khách hài lòng. Người quản lý nhà hàng này thừa nhận, chính thái độ nhiệt tình và kỹ thuật chuyên môn cao của người khiếm thị đã khiến nhiều du khách ấn tượng, nhờ đó hình ảnh du lịch của Huế đẹp hơn trong mắt du khách.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc