Thả khỉ về rừng tự nhiên sau khi cứu chữa thành công. Ảnh: KBTTN Phong Điền |
Cảm động
Mở đầu câu chuyện bảo tồn các loài khỉ, ông Võ Ngang ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) kể chúng tôi nghe tình mẫu tử đầy xúc động của loài khỉ mà ông bắt gặp. Trong một chuyến vào rừng, ông Ngang tình cờ gặp một con khỉ con đang mắc bẫy, bị thương ở chân đang kêu la. Thấy có người nhưng khỉ mẹ vẫn cố gắng dùng tay, chân và cả miệng để gỡ bẫy cứu khỉ con. Nhìn cảnh này ông Ngang rơi nước mắt. Ông Ngang tiến đến gần khỉ con để hỗ trợ tháo bẫy liền bị khỉ mẹ tỏ thái độ rất hung dữ, bảo vệ con. Dù vậy, ông vẫn có gắng tiếp cận với khỉ con để hỗ trợ thoát nạn… “Tối về không thể nào ngủ được. Đầu óc cứ ngẫm nghĩ mãi chuyện khỉ mẹ cứu nạn cho con. Khỉ cũng thông minh, có tình như thế, vậy mà ai nỡ lòng nào săn bắt, giết thịt”, ông Ngang tâm sự.
Chuyện cứu khỉ gặp nạn cũng khá phổ biến trong mấy năm gần đây, khi một bộ phận người dân ý thức ngày càng cao trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Mới đây, trong chuyến đi tuần tra, gỡ bẫy thú tại tiểu khu 39, cán bộ kiểm lâm Khu BTTN Phong Điền phát hiện nhóm người khai thác gỗ giữ một con khỉ mặt đỏ đang bị thương. Nhóm người này chăm sóc khỉ khá tốt. Cán bộ kiểm lâm xác định con khỉ bị thương do mắc bẫy của lâm tặc, chứ không phải do nhóm người này săn bắt. “Không cần phải thuyết phục, hay vận động, nhóm người khai thác gỗ liền bàn giao con khỉ cho chúng tôi. Sau khi đưa về cứu chữa thành công, khỉ được thả về rừng tự nhiên. Khỉ bỏ chạy chừng vài chục mét vẫn ngoái đầu nhìn chúng tôi lần cuối”, cán bộ kiểm lâm Khu BTTN Phong Điền-Trần Xuân Hai kể.
Vừa được thả về rừng tự nhiên. Ảnh: KBTTN Phong Điền |
Mỗi năm, cán bộ kiểm lâm Khu BTTN Phong Điền phát hiện và được người dân giao nộp vài trường hợp khỉ mắc bẫy, bị thương. Nhiều lần cứu chữa thành công, nhưng cũng không ít lần thất bại do khỉ bị thương nặng. “Những con khỉ bị thương, đau đớn thường nhìn chằm chằm vào mặt, chúng tôi cảm nhận được suy nghĩ của nó như muốn cầu cứu giúp đỡ. Tôi nhiều lần rơi nước mắt và cảm thấy có lỗi khi không cứu được nó…”, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm-Khu BTTN Phong Điền –Tạ Quang Hồng tâm sự.
Khỉ đã trở lại
Khỉ là là loài động vật có nhiều đặc tính giống người, thông minh hơn các loài thú khác, thường sinh sống từng bầy đàn trong rừng. Trong đời sống văn hóa cũng như hư cấu, khỉ có một vị trí nhất định khi trở thành một trong 12 con giáp và từng được thần thoại hóa như Tôn Ngộ Không... Cán bộ kiểm lâm Trần Xuân Hai cho biết, trong đa dạng sinh học, khỉ là một trong số các loài linh trưởng có vai trò quan trọng trong mạng lưới mắt xích, chuỗi thức ăn cho các loài động thực vật tồn tại và sinh trưởng. Các loài khỉ được phát hiện tại Khu BTTN Phong Điền khá phong phú, như culi lớn, culi nhỏ (khỉ gió), khỉ vàng (còn gọi là khỉ đỏ đít, khỉ đàn), khỉ mặt đỏ (còn gọi khỉ cộc, khỉ đen, khỉ gấu), khỉ đuôi lợn (khỉ xám), chà vá chân nâu. Tại đây còn ghi nhận các loài vọoc xám, vượn đen- má trắng, vượn má hung...
Trước giây phút “chia tay” về rừng. Ảnh: KBTTN Phong Điền |
Có nhiều đặc tính, gần gũi với đời sống con người, song các loài khỉ cũng chịu tác động rất lớn bởi nạn săn bắt của con người. Giám đốc Khu BTTN Phong Điền-Đặng Vũ Trụ cho hay, khi mới thành lập khu bảo tồn, qua khảo sát, đánh giá, các cá thể khỉ quý hiếm còn rất ít, có nguy cơ tuyệt chủng. Từ khi Khu BTTN Phong Điền ra đời, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ loài khỉ được tổ chức thường xuyên. Các đối tượng được truyền thông rất đa dạng, từ cán bộ kiểm lâm, cán bộ cơ sở, người dân, đến học sinh, sinh viên thông qua lồng ghép các buổi sinh hoạt, các câu lạc bộ, hội diễn văn nghệ, thi viết, hệ thống biển, bảng… Từ đó, nhận thức bảo tồn động vật nói chung, loài khỉ nói riêng được nâng lên, nạn săn bắt trái phép giảm đáng kể. Đó chính là điều kiện cho các loài khỉ sinh sôi, số lượng cá thể, đàn ngày càng nhiều tại các khu rừng.
Qua khảo sát tại 43 tiểu khu của Khu BTTN Phong Điền đều có sự xuất hiện các loài khỉ, trong đó khỉ mặt đỏ chiếm đa số và chà vá chân nâu -một trong 5 loài động vật quý hiếm trong sách đỏ thế giới. Mấy năm gần đây, khỉ mặt đỏ xuất hiện rất nhiều, mỗi đàn từ 5-21 con. Người dân thường nhìn thấy chúng ra tận bìa rừng tìm kiếm thức ăn. Khỉ thường tìm thức ăn theo bầy đàn, có một con cảnh giới, khi phát hiện có thú dữ, hoặc con người thì phát tín hiệu bỏ chạy. Vì gần khu dân cư nên chúng chỉ xuất hiện vài phút rồi trở lại rừng sâu.
Theo nghiên cứu, khảo sát của Khu BTTN Phong Điền, bộ linh trưởng tại Khu BTTN Phong Điền được ghi nhận có 3 họ với 8 loài; trong đó có 3 loài thuộc đặc hữu của Việt Nam, là chà vá chân nâu, culi nhỏ, vượn đen má trắng… Các loài này cần được bảo tồn, bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Trong đó, phối hợp tuần tra, giám sát, xử lý vi phạm được triển khai thường xuyên; đồng thời truyền thông nâng cao ý thức người dân là vấn đề được Khu BTTN Phong Điền rất quan tâm. |
Hoàng Triều