Năm 2000, Festival Huế lần đầu được tổ chức. Thông điệp của nó là “Huế - thành phố của nghệ thuật sống”. Đây là một ý tưởng rất hay, phù hợp với thành phố văn hóa Huế và chưa hề được sử dụng ở bất kỳ festival nào trên thế giới.

Lễ bế mạc Festival Huế 2012. Ảnh: Anh Túc

Đây được xem là Festival Hồi sinh bởi Huế tổ chức Festival này ngay sau khi vừa trải qua cơn lũ lịch sử 1999. Festival này xuất hiện nhiều câu nói cửa miệng của người Huế lấy từ tiêu đề các chương trình nghệ thuật tham dự, nổi bật nhất là câu nói “Vì người mà tôi làm vậy” dẫn từ một vở kịch của Guy Alloucherie.

Festival Huế 2002 tiếp tục phát triển chủ đề “Khám phá nghệ thuật sống của cố đô Huế” đi liền với mở rộng giao lưu quốc tế. Ấn tượng khó phai là Lễ hội Áo dài độc đáo, đặc sắc nhất trong lịch sử thời trang tổ chức trên cầu Trường Tiền. Festival Huế từ đây thật sự mang tầm vóc quốc tế và cụm từ “Huế - thành phố Festival của Việt Nam” bắt đầu được nhắc đến.

Festival Huế 2004 có một đặc điểm khó phai là “Mùa lễ hội trong mưa”. Khó có thể nói hết những cảm xúc lạ lùng bởi Festival Huế 2004 diễn ra trong mưa đem lại. Một Festival tiến hành trong bầu áp thấp nhiệt đới về sớm quả là lạ. Âm thanh cũng khác, sắc màu cũng khác, và cái cách con người về với lễ hội nhìn nhau cũng khác. Mưa Huế, với bao nhiêu cung bậc cảm xúc tự thân mà nó đã từng hào phóng đem cho, giờ nó lại mang đến cho nhiều người những khám phá mới - cái đẹp của mùa lễ hội trong mưa...

Festival Huế 2006 có chủ đề “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển”, để lại nhiều dấu ấn quan trọng từ việc phục dựng các lễ hội lớn: Phục dựng toàn phần Lễ hội Nam Giao, Lễ hội Truyền lô - Vinh quy bái tổ, lần đầu tiên khai thác không gian cung đình về đêm qua Đêm Hoàng cung rực rỡ... Bên cạnh đó, hàng loạt các kỷ lục đã ra đời. Đây thật sự là một lễ hội mang đậm chất dân tộc, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn, thể hiện được đẳng cấp của một festival chuyên nghiệp và có tính quốc tế của Việt Nam.

Festival Huế 2008 cho đến 2014 đều duy trì chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Festival này có nhiều ấn tượng đáng nhớ, thú vị là lần đầu tiên, thiếu nhi trở thành một trong những nhân vật chính của lễ hội, bởi hành trình nối dài chuyện cổ tích “Đổi chuông gió lấy một ngôi trường – nối những tấm lòng vì vạn trái tim”... Lễ tế Xã Tắc lần đầu được phục dựng với sự tham dự của các vùng đất của Tổ quốc. Đêm bế mạc có một chương trình khai thác tối đa đời sống dân gian, in đậm vẻ đẹp thanh bình, trù phú của làng quê Việt Nam: đồng lúa trĩu bông bên con sông nhỏ, dàn rớ bắt cá, một con đò nhỏ, một rặng tre xanh... mộc mạc mà ăm ắp ân tình...

Festival 2010 lần đầu tiên có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật của 31 quốc gia tiêu biểu cho các nền văn hóa có di sản được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa thế giới; các tỉnh, thành phố cố đô cũ: Thăng Long, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa và các thành phố có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo… Ấn tượng là không gian nghệ thuật thực hiện “Hành trình mở cõi” rất lớn, trước Kỳ Đài và quanh khu vực Hộ Thành hào, với sân khấu ba tầng tiên tiến nhất.

Festival 2012 “Di sản Văn hóa hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các Thành phố lịch sử” đã gắn liền với Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ do Thừa Thiên Huế đăng cai. Lễ hội Áo dài đã thăng hoa những tà áo tha thướt cùng với hoa sen ngọt ngào. Lễ hội Áo dài một lần nữa trở thành đặc sản không thể thiếu của Festival Huế.

Lễ hội đường phố tại Festival Huế 2012. Ảnh: Minh Phong

Festival Huế 2014 sẽ là nơi tụ hội của các thành phố Cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, tiếp tục là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á – Mỹ La tinh, đang hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc…

Đặng Ngọc Nguyên