Nhà thiết kế Minh Hạnh - Tổng đạo diễn chương trình Lễ hội Áo dài:

“Mang đến Huế những gì mới lạ nhất”

Lễ hội Áo dài là một sự kiện không thể thiếu ở vùng đất của văn thơ, nhạc, họa như Huế. Như một lời nguyện ước của giới thiết kế thời trang với thành phố di sản, cứ đến Festival Huế, chúng tôi – những nhà thiết kế ở khắp mọi miền đất nước lại hẹn nhau về Huế tham gia lễ hội. Chúng tôi đều mong được về Huế, về với Lễ hội Áo dài như một sự thách thức với chính mình là làm sao để tôn vinh áo dài, gìn giữ vẻ đẹp này cùng với sự phát triển của thời đại.

Với tư cách của một nhà thiết kế, tôi luôn mong chờ ngày trở về Huế và nhất là trong dịp festival. Ở thành phố này, mỗi lần trở về là mỗi dịp tôi được “sống chậm” hơn một chút. Với tư cách là một trong những người tổ chức các sự kiện, tôi luôn luôn bị áp lực khi festival gần kề, vì Festival Huế đã trở thành festival tiêu biểu cho cả nước và có vị thế quan trọng trong chuỗi hoạt động văn hóa của Việt Nam. Những áp lực này luôn tồn tại khi chúng tôi luôn mong muốn đem đến Huế những gì khác biệt, mới lạ và thân thiện nhất.

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn - Việt kiều Mỹ:

“Một nỗ lực tổng hợp đầy linh động và sáng tạo”

Ở phương Tây, những hình thức lễ hội thường được chia ra làm 3 hình thái: đám rước (carnival), cuộc trưng bày (fair) và hội hè (festival). Nguồn gốc “festival” xuất hiện từ thế kỷ 13 ở châu Âu, mang tính chất tôn giáo đậm nét hơn là đời thường. Nhưng càng ngày, festival mang tính chất văn hóa và nghệ thuật truyền thống sâu rộng và rõ ràng hơn. Những festival về âm nhạc, hội họa, văn học, nghệ thuật… xuất hiện khá thường xuyên và nhiều nơi trong nhiều miền ở các nước phương Tây.

Việc chọn một hình thức sinh hoạt văn hóa như Festival Huế là một việc làm mang nhiều ý nghĩa tích cực. Trong ba địa bàn trọng điểm của văn hóa Việt Nam, Huế là nơi tương đối còn lưu lại nhiều dấu tích văn hóa vì đó là nơi vương triều cuối cùng của xứ sở chọn làm kinh đô. Cứ hai năm một lần, Huế Festival khai diễn. Càng ngày, người dân trong nuớc và cộng đồng thế giới càng biết đến những hình thức và nội dung của Huế Festival rộng rãi hơn. Công trình tổ chức một lễ hội mang tính văn hóa, truyền thống của địa phương và cả nước là cả một nỗ lực tổng hợp đầy linh động và sáng tạo mới tránh được sự lặp lại, giẫm chân và nhàm chán. Festival Huế đã thực hiện và duy trì cho đến ngày nay với sự tham gia nhiệt tình và đông đảo của bạn bè bốn phương là một cố gắng góp phần phát huy văn hóa dân tộc đáng trân trọng.

Ông Lê Trọng Diễn - Làng cổ Phước Tích, Phong Hòa (Phong Điền):

“Mong được giới thiệu nhiều hơn nghề gốm làng cổ"

Festival Huế 2014 chính là dịp để những người làm gốm ở làng cổ Phước Tích quảng diễn, giới thiệu các sản phẩm độc đáo về gốm. Với tôi, vui nhất là được đón các đoàn du khách trong và ngoài nước đến thăm bảo tàng sản phẩm gốm Phước Tích của gia đình.

Để du khách hiểu hơn về gốm cổ Phước Tích, nhiều năm qua tôi luôn mày mò sưu tập, tìm lại được gần 80 mẫu gốm cổ của làng. Hiện bảo tàng của gia đình tôi có những sản phẩm gốm được sản xuất từ đời ông nội như cái om phỏng theo om của vua Minh Mạng. Những sản phẩm đã thất truyền được tôi phục hồi lại như cái trét (trắc), bình vôi. Ngoài ra, tôi còn mở rộng thêm bộ sưu tập gốm của mình bằng những sản phẩm mới như chuông gió bằng gốm, lọ hoa… để phục vụ khách du lịch mua về làm quà lưu niệm. Hy vọng, trong những ngày diễn ra Festival Huế 2014, tôi sẽ giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm từ gốm cho du khách đến với làng cổ Phước Tích.

Sau nhiều năm mở bảo tàng gốm tại nhà, càng ngày, tôi càng thấy du khách đến với Phước Tích nhiều hơn, quan tâm tới nghề gốm hơn. “Hiện giờ trong làng phần lớn là người già, thanh niên họ đi làm xa vì làng không có nghề. Nhưng nếu nghề gốm phát triển lại thì chắc chắn, thanh niên sẽ quay về làng”, ông Lê Trọng Diễn lạc quan.

Chuyên gia ẩm thực quốc tế Kevin Marchetti - Luxembourg:

Cơ hội thưởng thức những “hương vị nghệ thuật”

Festival Huế là một sự kiện rất đặc biệt và độc đáo tại Việt Nam. Tôi đã sống tại Việt Nam 4 năm nay và hầu hết thời gian này tôi ở Huế để có cơ hội khám phá các kỳ festival.

Festival Huế được tổ chức hai năm một lần và cứ sau mỗi lần tổ chức càng thú vị hơn vì có thêm hoạt động văn hoá nghệ thuật mới lạ. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và thú vị trong suốt thời gian festival vì đây là lúc mà tôi có thể xem nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ khác nhau đến từ các quốc gia và nền văn hóa trên thế giới hội tụ về Huế. Thật tuyệt vời và thú vị khi được xem một sự kết hợp của nhiều nền văn hóa khác nhau, các dân tộc khác nhau không chỉ từ các tỉnh thành ở Việt Nam mà còn từ nhiều quốc gia và châu lục khác.

Huế là một thành phố rất yên tĩnh và thanh bình nhưng khi festival diễn ra, Huế trở nên rất đặc biệt và biến đổi trong suốt thời gian lễ hội để trở thành một thành phố bận rộn và đông đúc. Tôi thích đi bộ quanh thành phố trong những ngày festival để được nhìn thấy mọi người vui mừng và hạnh phúc, hoặc đơn giản chỉ là để nhìn thấy một cái gì đó mới mẻ. Thành phố trở nên đẹp hơn, lung linh hơn. Việc tiếp thị và quảng bá về sự kiện đặc biệt này cũng được làm rất tốt. Điều này giúp cho nhiều du khách biết đến festival Huế.

Là một đầu bếp, cá nhân tôi rất thích kết hợp nhiều hương vị lại với nhau khi nấu ăn; festival cũng như một “món ăn” tinh thần vậy, đó là một sự kết hợp của nhiều “hương vị nghệ thuật” với nhiều chủ đề khác nhau, điều này làm tôi cảm thấy rất thích thú. Tôi mong muốn tất cả mọi người có một thời gian thật vui vẻ và hạnh phúc trong Festival Huế 2014.

Nhóm PV (thực hiện)