Festival mà!
1. Đang ngao du các đường phố lớn để ngắm phố phường trong ngày đầu diễn ra Festival, mẹ tôi ở quê điện thoại vào bảo ra bến xe buýt đón ba. Tôi phấp phỏng không hiểu chuyện gì, đang lo chắc là ba bị ốm nên phải vào Huế để khám bệnh chứ cả năm trời nay ba bị bệnh nên không ra khỏi làng. Thế rồi mẹ bảo, hôm qua xem khai mạc Festival trên tivi, ba con nao nức muốn vào Huế xem cho bằng được Đại nội vì trên ti vi đẹp quá; rồi muốn đi cầu ngói Thanh Toàn, xem lễ Tế Giao kẻo sợ ít bữa… không còn cơ hội! Hú hồn, tôi vừa mừng vừa buồn cười vì thay đổi của ba. Thì ra, Festival Huế đang lan rộng khắp nơi, làm thay đổi tính cách và tinh thần của mọi người, kể cả những người già như ba.
2. Đang đưa ba đi ăn sáng thì gặp anh bán báo ở dọc đường, tôi cho xe vô lề để mua cho ba mấy tờ báo. Vì lớn tuổi mắt kém nên ba lựa báo rất lâu. Thường ngày anh bán báo vẫn kiên nhẫn đợi khách và còn vui vẻ chuyện trò, vậy nhưng hôm nay trông anh gấp gáp, hối hả và nôn nóng hối thúc khách lấy báo nhanh để đi cho kịp. Như để thanh minh, anh bảo: Festival mà, hai năm mới có một lần nên khách đến Huế rất đông, tôi tăng lượng báo bán gấp 3-4 lần so với ngày thường nên cũng phải nhanh chân… cho kịp!
Tiểu thương háo hức cùng Festival Huế
Không chỉ mải lo buôn bán để mưu sinh, những ngày này, vào các chợ từ chợ Trung tâm như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc cho đến những ngôi chợ xép của Huế, các tiểu thương vẫn bàn tán xôn xao quanh chuyện Festival. Xen lẫn khen, chê, các chị, các o luôn miệng “trạo” nhau về các tiết mục được tận mắt thưởng thức hay được xem, nghe, đọc qua đài, báo, truyền hình. Lực lượng chị em tiểu thương ở Huế không phải là ít, cộng với sức lan qua “truyền khẩu” là thế mạnh cho “thương hiệu” Festival Huế càng vang xa hơn. Thế mới biết, không chỉ những du khách phương xa tìm đến Huế để tận hưởng Festival, mà Festival Huế thực sự đã lan tỏa đến mọi nhà, mọi người dân.
Sao mà... lì thế
Biểu diễn máy bay mô hình là một trong những hoạt động thu hút sự theo dõi của đông khán giả nhất. Để đảm bảo an toàn, khu vực biểu diễn được giăng dây giới hạn. Chỉ những người có trách nhiệm và cánh báo chí là được tự do tác nghiệp. Vậy mà, không rõ vì say nghề hay sao, một số phóng viên (PV) cứ lăng xăng bên cạnh đường băng khiến ban tổ chức phải lên tiếng cảnh báo. Khổ nỗi, khi nghe thế, PV dạt lui, được một lát lại xấn tới. BTC lại phải cảnh báo đến... khản cổ. Thậm chí còn nói thẳng, nếu cứ tình trạng ấy sẽ không thể biểu diễn được nữa.
Không ít người xem lắc đầu ngán ngẩm: “Sao mà... lì thế, cứ nhắc hoài tội người ta”. Tôi cũng đang toòng teng cái thẻ PV nơi cổ, nghe thế thiếu đường... độn thổ. Lẽ ra nhà báo phải là người gương mẫu trước tiên. BTC tạo điều kiện cho mình tác nghiệp, đừng vì được ưu tiên mà cản trở công việc của BTC mới là phải nhẽ.
Khánh Thư-T.Ninh- H. Thương-Hiền An
Ấn Độ thiệt tụi bây ơi!
Nhiều khán giả trẻ reo lên như vậy khi thấy các người mẫu xuất hiện trong phần giới thiệu trang phục của đất nước Ấn Độ. Điều giúp khán giả nhận biết người mẫu chính quốc là nhờ cách họ biểu diễn những vũ điệu một cách chuyên nghiệp, cuồng nhiệt. Hơn nữa, ai cũng nhận thấy, họ luôn nở nụ cười tươi và biểu diễn một cách tự nhiên, khác với những gương mặt nghiêm nghị của người mẫu Việt Nam.