Thakur Barir Shajposhak
(Tuyên ngôn thời trang của gia đình Tagore)
Gia đình Tagore đã làm nên cuộc cách mạng về thẩm mỹ và thời trang Ấn Độ vào thế kỷ 19. Mọi người đều biết trang phục Sari hiện nay bắt nguồn từ thử nghiệm của những phụ nữ quí tộc trong gia đình Tagore, những bộ trang phục lấy cảm hứng từ phong cách các vùng miền khác nhau của Ấn Độ kết hợp với những thiết kế Phương Tây.
Ngày nay, ít ai biết được rằng những thử nghiệm về cách ăn vận của gia đình Tagore không đơn thuần là sự đam mê xa hoa của một gia đình quyền quí. Điều quan tâm chủ yếu của họ là làm sao để người phụ nữ vào thời đó chỉ quẩn quanh trong nhà có thể bước ra xã hội bằng một phong thái chỉnh chu nhưng không kém phần duyên dáng.
Ông Maharshi Debendranath Thakur – thân phụ của đại thi hào Rabindranath Tagore đã thiết kế những bộ áo cho các bé gái dùng mặc đi học và vẫn có thể tham gia mọi hoạt động ngoại khóa khác. Cô Gyanadanandini Devi thì thử nghiệm thiết kế trang phục Tây và Đông phương kết hợp, cùng các loại chất liệu và trang sức để tạo ra những phong cách giúp chính cô và những người khác tự tin khi xuất hiện tại các buổi tiếp tân, hội nghị, hay nơi công sở và thậm chí là những cuộc tuần hành trong phong trào đấu tranh vì tự do. Đồng thời, Rabindranath và anh trai Jyotindranath cũng đóng một vai trò quan trọng trong thời trang của nam giới.
Tác phẩm Thakurbarir Shajposhak là một tác phẩm nghe nhìn sinh động kết hợp hình ảnh các thành viên gia đình và bạn bè Tagore trong những bộ trang phục, phong cách thời trang, và những giai thoại thú vị, được minh họa bởi các vũ công và diễn viên trên sân khấu.
Tác phẩm nhằm tưởng nhớ công lao của gia đình Tagore trong sự nghiệp giải phòng phụ nữ thoát khỏi những rào cản xã hội, tạo nền móng cho thời trang Ấn Độ hiện đại.
Khám phá Nhịp điệu bằng triết lý của Tagore
Nhịp điệu lan tỏa vào không gian như là một điều tất yếu của cuộc sống, như các hành tinh xoay quanh một quỹ đạo nhất định, như nhịp đập trái tim để duy trì sự sống. Dòng đời tự nó luân chuyển theo một khuôn mẫu nào đó. Với Rabindranath Tagore, nhịp điệu của cuộc sống 'Chhanda' chính là hiện thân của linh hồn vũ trụ - Vidhata. Vì vậy theo ông, mỗi một biến tấu nhịp cơ bản đều là một sắc thái thể hiện giai điệu cuộc sống, một sự biến chuyển tự nhiên tạo nên cá tính. Chính trong thế giới này, ta tìm ra cách giữ nhịp cho âm nhạc và vũ điệu. Trong âm nhạc và múa cổ điển, ta khai triển và sáng tạo những nét phức tạp hơn đồng thời cấu trúc các nhịp điệu này thành cú pháp. Chính cú pháp này mở ra cho chúng ta những khả năng vô tận.
Nhịp điệu mang nét biểu cảm riêng của nó và khi đưa chúng vào thơ hay nhạc sẽ làm cảm xúc dâng trào.
Chương trình biểu diễn của đoàn nhằm giới thiệu những nét biểu cảm trong phách nhịp của vũ điệu Odissi. Việc tìm tòi các kiểu phách phức tạp của loại hình múa Odissi đã nảy sinh nhu cầu kết hợp hai dòng nhạc cổ điển của Ấn Độ là âm nhạc Hindustani (Bắc Ấn) và âm nhạc Carnatic (Nam Ấn). Trong quá trình tìm hiểu triết lý của Tagore về nhịp điệu, nghệ sĩ Sharmila Biswas đã tìm thấy nguồn cảm hứng dẫn đến sự ra đời của tác phẩm này.
Theo festivalhue.com