Trong không gian Đại Nội cổ kính, chương trình được bắt đầu với vũ điệu cung đình Yutsudaki có nguồn gốc từ thời Ryukyuan. Người xem mê đắm trong tiếng nhạc êm đềm, tiếng gõ phách lách cách và các vũ nữ xinh đẹp, khoác trên mình những bộ trang phục Bingata đầy màu sắc, đầu đội mũ hoa Hanagasa.

 


Nghệ sĩ Okinawa biểu diễn tại sân khấu Đại Cung Môn tối 8/4. Ảnh: Văn Thanh
 

 

Tiết tấu nhanh, mạnh và đầy hứng khởi, vũ điệu Hatomabushi lại toát lên vẻ đẹp cương nghị, uyển chuyển bằng những vũ đạo kết hợp giữa động tác mạnh mẽ của kỹ thuật Karate Okinawa và phong cách múa Kappore truyền thống của Nhật Bản. Đây là điệu múa được phổ biến từ cuối thế kỷ 19, với những động tác tay mềm mại, những đôi chân uyển chuyển, mê hoặc.

 

Với kết cấu phong phú, chương trình nghệ thuật của vùng đảo Okinawa đem đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc, với điệu múa Tanchame đặc trưng, mô tả cuộc sống thường nhật trong những làng chài. Trong trang phục Bashofu làm từ sợi thân chuối, các nghệ sĩ vào vai thanh niên, thiếu nữ làng chài, với mái chèo, giỏ cá, tái hiện sinh động không gian và niềm vui lao động của người dân vùng biển. Trên nền nhạc hiện đại mang chút âm hưởng jazz, chương trình đọng lại trong lòng công chúng cảm xúc vui tươi, nhẹ nhõm và lạc quan về tình yêu cuộc sống.

 

Okinawa là kinh đô xưa của Nhật Bản (1429-1879), với truyền thống nghệ thuật lâu đời, đặc biệt là loại hình văn hóa dân gian, trong đó điệu múa cung đình Ryukyu được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là lần thứ 3, công chúng Festival Huế được thưởng thức giá trị nghệ thuật độc đáo và lâu đời từ Okinawa.

 

Kim Oanh